09/07/1915: Đức đầu hàng và chuyển giao Tây Nam Phi

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germans surrender Southwest Africa to Union of South Africa, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1915, trong khi Liên minh Trung tâm đang tận dụng lợi thế của họ trên Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I, phe Đồng minh đã giành được chiến thắng ở một nơi khác, khi các lực lượng quân sự của Liên hiệp Nam Phi chấp nhận sự đầu hàng của Đức trên lãnh thổ Tây Nam Phi.

Liên hiệp Nam Phi, một lãnh thổ tự trị thống nhất của Đế quốc Anh, được thành lập chính thức theo một đạo luật của Quốc hội Anh vào năm 1910. Khi Thế chiến I nổ ra ở châu Âu vào mùa hè năm 1914, Thủ tướng Nam Phi Louis Botha ngay lập tức cam kết hết sức ủng hộ chính quốc Anh. Khi đó, Botha và Bộ trưởng Quốc phòng Jan Smuts, cả hai đều là tướng lĩnh và cựu chỉ huy lực lượng Boer, đang tìm cách mở rộng biên giới của Liên hiệp ra xa hơn trên lục địa. Việc xâm lược Tây Nam Phi thuộc Đức sẽ không chỉ hỗ trợ người Anh mà còn giúp hoàn thành mục tiêu đó. Kế hoạch này đã chọc giận một bộ phận người dân Afrikaner (hoặc Boer) cầm quyền ở Nam Phi, những người vẫn còn phẫn nộ sau khi thất bại trước người Anh trong Chiến tranh Boer 1899-1902 và tức giận vì chính phủ của họ ủng hộ Anh chống lại Đức, vốn là nước ủng hộ người Boer trong Chiến tranh Boer.

Một số nhà lãnh đạo quân sự quan trọng đã từ chức vì phản đối việc xâm lược lãnh thổ Đức, và nổi dậy công khai đã nổ ra vào tháng 10/1914, nhưng nó đã bị dập tắt vào tháng 12. Cuộc chinh phục Tây Nam Phi, được thực hiện bởi Lực lượng Phòng vệ Nam Phi gồm gần 50.000 người, đã được hoàn thành chỉ trong sáu tháng, và dẫn đến sự đầu hàng của Đức vào ngày 09/07/1915. Mười sáu ngày sau, Nam Phi sáp nhập lãnh thổ này.

Tại hội nghị hòa bình Versailles năm 1919, Smuts và Botha đã tranh luận thành công để Liên hiệp Nam Phi được chính thức ủy trị Tây Nam Phi, một trong số nhiều quyền ủy trị được trao tại hội nghị của các quốc gia thành viên Hội Quốc liên mới, cho phép họ thành lập chính phủ của riêng mình trên các lãnh thổ cũ của Đức. Trong những năm sau đó, Nam Phi đã kiên quyết không từ bỏ quyền kiểm soát lãnh thổ, ngay cả sau Thế chiến II, khi Liên Hiệp Quốc tiếp quản các vùng ủy trị ở châu Phi và trao độc lập cho tất cả các lãnh thổ khác. Mãi đến năm 1990, Nam Phi mới chính thức chào đón nước láng giềng độc lập mới, Namibia.