14/11/1960: Louisiana xóa bỏ tách biệt chủng tộc ở trường học

Nguồn: Ruby Bridges desegregates her school, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1960, một lệnh của tòa án yêu cầu xóa bỏ tách biệt chủng tộc (desegregation) trong trường học đã chính thức có hiệu lực tại New Orleans, Louisiana. Hình ảnh cô bé Ruby Bridges sáu tuổi bước vào Trường tiểu học William Frantz, được cảnh sát liên bang hộ tống và bị đám đông giận dữ chế giễu, đã ngay lập tức trở thành biểu tượng của phong trào dân quyền, biểu tượng cho sự nghiệp bình đẳng chủng tộc và mục tiêu của sự thù địch chủng tộc.

Tối cao Pháp viện Mỹ đã ra lệnh chấm dứt các trường công lập tách biệt chủng tộc trong vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục chỉ vài tháng trước khi Bridges chào đời, nhưng phải đến sau khi cô bé học xong mẫu giáo, Thành phố New Orleans mới chấp thuận xóa bỏ tách biệt chủng tộc. Trẻ em người Mỹ gốc Phi ở New Orleans sau đó đã được làm một bài kiểm tra và chỉ những trẻ vượt qua mới được phép ghi danh vào các trường công lập toàn người da trắng. Bridges đã vượt qua bài kiểm tra và trở thành người duy nhất trong số sáu học sinh đủ điều kiện tiếp tục chương trình xóa bỏ sự tách biệt chủng tộc ở Trường tiểu học Frantz.

Lúc đầu, cha cô bé phản đối ý tưởng này, nhưng mẹ của Bridges đã thuyết phục ông rằng việc gửi Ruby đến Frantz vừa là điều đúng đắn cho con gái họ, vừa là một cột mốc quan trọng đối với tất cả người Mỹ gốc Phi. Bridges đã vào trường cùng với mẹ và một số cảnh sát vào ngày 14/11, và hình ảnh đứa trẻ nhỏ bé và những người hộ tống em bước đi, bình tĩnh vượt qua đám đông những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cuồng tín đã lan truyền khắp cả nước. Sau này, Bridges nhớ lại rằng bà đã nghĩ rằng đám đông đến đây để ăn mừng lễ hội Mardi Gras.

Bridges đã không tham dự bất kỳ lớp học nào vào ngày 14/11 do tình hình hỗn loạn bên ngoài trường học. Không có học sinh nào khác đến trường, và tất cả các giáo viên, ngoại trừ Barbara Henry, đã ở nhà để phản đối việc bãi bỏ chế độ tách biệt chủng tộc. Phải mất vài ngày sau, một người cha da trắng cuối cùng đã phá vỡ cuộc tẩy chay và đưa con trai mình đến trường, và ngay cả khi những học sinh da trắng quay trở lại, các em vẫn bị tách biệt khỏi học sinh da đen duy nhất của trường. Henry, người mà Bridges nói là giáo viên da trắng đầu tiên và là “giáo viên tốt bụng nhất mà tôi từng có,” đã dạy một lớp chỉ có một mình Bridges trong suốt năm học. Cảnh sát liên bang tiếp tục hộ tống cô bé đến trường trong thời gian đó, và đám đông hô vang những lời lăng mạ phân biệt chủng tộc và đe dọa giết người tiếp tục chào đón Bridges trong nhiều tháng.

Gia đình Bridges đã phải chịu đựng rất nhiều – cha cô bé mất việc, ông bà vốn là nông dân của cô bị đuổi khỏi khu đất họ đang ở, và cha mẹ cô cuối cùng đã ly thân – nhưng họ cũng nhận được sự hỗ trợ dưới hình thức quà tặng, tiền quyên góp, một công việc mới cho cha cô, và thậm chí cả dịch vụ an ninh miễn phí từ bạn bè, hàng xóm, và mọi người trên khắp cả nước. Một năm sau, trường học đã trở nên hòa nhập hơn và Bridges đã học cùng cả trẻ em da đen và da trắng mà không có sự cố lớn nào. Ngày nay, Bridges vẫn là cái tên quen thuộc và là biểu tượng của phong trào dân quyền.