Cuộc Chiến tranh Lạnh mà Putin muốn

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “The Cold War Putin Wants,” Foreign Affairs, 23/01/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tại sao Nga muốn thay đổi chứ không phải chấm dứt xung đột ở Ukraine?

Ba năm sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với một lựa chọn đáng lo ngại. Trước công chúng, ông tỏ ra lạc quan. Ông đã kéo đất nước mình trở lại từ vực thẳm, và bằng các biện pháp quân sự, ông đã bảo vệ chủ quyền của đất nước mình, hay đúng hơn là những thứ mà ông cho là thuộc chủ quyền của đất nước mình. Ông khẳng định rằng nếu không làm vậy, nước Nga sẽ không còn tồn tại. Trong khi đó, GDP của Nga đang tăng trưởng – tăng khoảng 4% vào năm 2024, theo số liệu chính thức – và tiền lương không chỉ tăng mà còn rõ ràng là theo kịp giá cả dù tỷ lệ lạm phát hàng năm hiện đang ở mức hơn 9%. Đằng sau lớp vỏ hào nhoáng này, ngân sách quân sự đã tăng gấp đôi sau ba năm và tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi nền kinh tế quân sự; còn khu vực tiêu dùng, nơi lạm phát thậm chí còn cao hơn, lại đang trì trệ.

Tuy nhiên, cho đến nay, mọi thứ dường như vẫn có thể chấp nhận được đối với người dân Nga. Điện Kremlin đã giành được nhiều quyền kiểm soát hơn đối với xã hội, dù một số khía cạnh của cuộc sống riêng tư vẫn được phép tiếp tục diễn ra mà không bị xáo trộn. Và bất chất cái giá phải trả tiếp tục tăng cao, cuộc chiến dường như đang diễn ra theo ý muốn của người Nga: theo lời Putin, các lực lượng Nga đã “giải phóng” ít nhất 189 khu định cư ở Ukraine vào năm 2024 và hệ thống phòng không của phương Tây không có cơ hội nào để chống lại tên lửa mới nhất của Nga. Dân số bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi vì chiến tranh, nhưng nhìn chung, những báo cáo vui mừng vì thành công quân sự đã trở nên quá quen thuộc: theo dữ liệu khảo sát từ Trung tâm Levada độc lập, sự ủng hộ thực sự hoặc giả tạo đối với chiến dịch quân sự đặc biệt đã định ở mức khoảng 75% dân số, bao gồm 45% cho biết họ hoàn toàn ủng hộ hành động quân sự và 30% ủng hộ phần nào. (Hơn một phần ba người Nga cũng nói rằng sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, có thể là điều tốt cho Nga, nhưng số người nghĩ rằng điều đó sẽ không tạo ra khác biệt gì thậm chí còn lớn hơn.)

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi chuyện đều ổn khi Nga bước sang năm mới. Với việc sử dụng quyền lực cứng, Putin đã đánh mất quyền lực mềm. Bằng cách cố gắng xây dựng lại đế chế Nga, ông đang đánh mất ảnh hưởng của Nga đối với các lãnh thổ trước đây của mình. Khi tìm cách gia tăng khoảng cách giữa biên giới của Nga và NATO, ông đã mang lại điều ngược lại: liên minh xuyên Đại Tây Dương hiện đang “ở ngay trước cổng,” như lời cảnh báo đầy u ám của Điện Kremlin. Mặt trận trong nước cũng bất ổn không kém. Nền kinh tế ngày càng được cấu trúc theo cách thiên về chiến tranh và nhà nước, và việc ngân hàng trung ương áp dụng mức lãi suất chuẩn cao ngất ngưởng là 21% – vốn cần thiết để kiểm soát lạm phát – đã đẩy một số doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Bằng cách ưu tiên an ninh, Điện Kremlin đã khiến cuộc sống của người dân Nga kém an toàn hơn: đối với nhiều người trong số họ, cuộc sống giờ đây bao gồm việc chờ đợi máy bay không người lái của kẻ thù đến mỗi ngày, hoặc đối với những người phản đối chiến tranh, là chờ tiếng gõ cửa quyết định của chính quyền. Các chuẩn mực xã hội đã bị xói mòn bởi sự tầm thường hóa bạo lực, và lòng yêu nước hiện được định nghĩa là sẵn sàng bán mình cho chiến hào với cái giá ngày càng cao, dưới hình thức tiền thưởng nhập ngũ và tiền lương hậu hĩnh. Sự kiểm duyệt từng hủy hoại các hãng tin tức độc lập của Nga giờ đây lan sang cả giáo dục, sân khấu, phim ảnh, xuất bản sách, và thậm chí cả chính trị bảo tàng. Nhiều nhóm xã hội đang bị kỳ thị và đàn áp, từ những người di cư và nhà hoạt động dân sự đến các học giả và trí thức, những người thường bị chỉ định là “điệp viên nước ngoài.” Khi so sánh với những người tiền nhiệm Liên Xô của ông, Putin đang ở thế yếu: Liên Xô thời hậu Stalin tự hào về Sputnik, còn nước Nga của Putin tự hào về Oreshnik, tên lửa siêu thanh mới nhất của họ.

Một vấn đề lớn hơn nữa là tương lai. Sau khi đã đưa đất nước đi xa đến thế này, không rõ liệu Putin và đội ngũ của ông có thể quay lại được không. Việc phi quân sự hóa nền kinh tế và giải tán lực lượng vũ trang có nguy cơ làm suy yếu hệ thống giúp duy trì sự cai trị của ông. Dù cái giá phải trả có tăng cao, thì Putin vẫn cần một cuộc chiến kéo dài để bảo vệ cái mà các nhà xã hội học ủng hộ chính phủ gọi là “sự đồng thuận Donbas” – phần lớn người Nga ủng hộ hành động quân sự và cách tiếp cận quyền lực ngày càng mang tính cá nhân của Điện Kremlin. Và đó chính là tình thế lưỡng nan mà Putin phải đối mặt vào năm 2025: chấm dứt chiến tranh cũng nguy hiểm như việc tiến hành nó.

ROME THỨ BA?

Trong những năm trước khi phát động chiến dịch đặc biệt, Putin và những người ủng hộ ông đã hồi sinh một khái niệm cổ xưa của Nga về Rome Thứ Ba (Third Rome): sự tự phụ rằng một nhà nước Nga lý tưởng có thể có ảnh hưởng quyết định đến một “thế giới Nga” rộng lớn. Đế chế mới được cho là hùng mạnh đến mức có thể kiểm soát cả những diễn biến nằm ngoài phạm vi “thế giới Nga.” Nhưng tầm nhìn đó đã bị lung lay.

Hãy xem xét sự sụp đổ nhanh chóng của Syria dưới thời Bashar al-Assad vào tháng 12 vừa qua. Suốt nhiều năm, việc Nga can thiệp vào Syria đã được trình bày như một câu chuyện thành công để cho thấy rằng, giống như những người tiền nhiệm thời Liên Xô, chế độ Putin có thể quyết định số phận của các quốc gia nằm cách Điện Kremlin hàng nghìn dặm. Syria từ lâu đã được sử dụng để biện minh cho chủ nghĩa bành trướng cứu thế của Nga, và cuộc chiến chống lại các phe phái đối đầu với Assad đã cung cấp một khuôn mẫu cho chương trình tuyên truyền của Nga về Ukraine. Câu chuyện đó giờ đã sụp đổ, dù, trong thời điểm hiện tại, nó vẫn chưa làm lung lay tỷ lệ ủng hộ cao của Putin.

Nhưng những tổn thất của Putin không chỉ giới hạn ở Syria. Từng là “đối tác chiến lược” của Nga ở vùng Caucasus, Armenia – quốc gia vốn được Moscow bảo vệ và phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong một số lĩnh vực kinh tế – đã bị bỏ rơi trong đống tro tàn của cuộc chiến gần đây với Azerbaijan: vào mùa thu năm 2023, Nga không thể làm gì hơn ngoài việc đứng ngoài cuộc, khi các lực lượng Azerbaijan được trang bị vũ khí tốt chiếm giữ vùng đất Nagorno-Karabakh của Armenia và có thể đã trục xuất hơn 100.000 người Armenia chỉ sau một đêm. Giờ đây, Armenia đang xúc tiến Hiến chương Đối tác Chiến lược với Mỹ và tìm cách gia nhập Liên minh Châu Âu. Putin được cho là có “phản ứng hóa học” với Tổng thống Ilham Aliyev, nhà lãnh đạo lâu năm của Azerbaijan, nhưng sau khi hệ thống phòng không Nga bị cáo buộc bắn hạ một máy bay chở khách của Azerbaijan trên vùng trời Grozny vào cuối tháng 12, tình bạn của hai nhà độc tài đã bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng. Chưa kể đến việc Aliyev hiện đang liên kết chặt chẽ hơn nhiều với một nhân vật cứng rắn khác trong khu vực, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Thật vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề khác. Kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga vào năm 2022, Điện Kremlin đã phụ thuộc vào mối quan hệ thân thiện với Ankara để xử lý các giao dịch tài chính và đảm bảo nhiều mặt hàng nhập khẩu cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không chịu phục tùng: Erdogan đã lên tiếng kêu gọi trả lại Crimea cho Ukraine, và ở Syria, ông ủng hộ lực lượng nổi dậy đã lật đổ đồng minh của Putin, Assad, và hiện đang kiểm soát đất nước. Dù Erdogan đóng vai người bạn của Putin, thì ông cũng đã vượt mặt Tổng thống Nga ở Damascus. Theo một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệm vụ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện là kiềm chế Nga ngay cả khi nước này được hưởng lợi từ sự hợp tác thực dụng với Nga.

Kế đến là Israel. Trong những năm qua, Putin thường xuyên gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người mà ông xem là một nhân vật cứng rắn. Đồng thời, chủ nghĩa bài Do Thái trong lịch sử của Ukraine và di sản của cuộc diệt chủng Holocaust ở nước này đã cho phép Putin, ít nhất là cho đến tháng 2/2022, giữ được vị thế đạo đức cao trong mắt nhiều người Israel. Không có nhiều người Do Thái ở Nga, và số lượng của họ đã giảm hơn nữa kể từ khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu: nhiều trí thức Do Thái đã rời đi, trong khi những người ở lại đã xin hộ chiếu Israel để phòng khi họ phải chạy trốn khỏi đất nước.

Theo truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Nga trỗi dậy song hành với chủ nghĩa bài Do Thái, dù kẻ thù chính hiện nay, theo tuyên truyền của Điện Kremlin, không phải là người Do Thái và người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái mà là NATO và khối “Anglo-Saxon” mà họ bị cáo buộc phục vụ. Tuy nhiên, thái độ của công chúng Nga đối với người Do Thái và đặc biệt là đối với Israel đã xấu đi. Người Nga thường không quan tâm đến số phận của người Palestine, nhưng trong những gì có vẻ là một loại phản ứng phản xạ, những người ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng có xu hướng ủng hộ Hamas và Hezbollah chống lại Israel. (Trong một cuộc khảo sát chung của Levada và Hội đồng Chicago vào tháng 10/2024, 38% người Nga cho biết Mỹ và các nước NATO chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình trạng đổ máu và bất ổn liên tục ở Trung Đông, và số người Nga nói rằng Israel phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột đang diễn ra cao gần gấp ba so với những người đổ lỗi cho Hamas và người Palestine.)

Ngay cả những vệ tinh lâu năm của Nga cũng trở thành cơn đau đầu mới của Putin. Ví dụ nổi bật là trường hợp nhỏ nhưng đáng kể của Abkhazia, một vùng ly khai của Gruzia: vào tháng 11, khi phải đối mặt với một kế hoạch sẽ trao cho Nga ảnh hưởng lớn hơn nữa đối với nền kinh tế của họ, người Abkhazia đã xông vào quốc hội và lật đổ chính phủ của mình. Tất cả những gì Điện Kremlin có thể làm để đáp trả là cấm nhập khẩu quýt Abkhazia và khuyên khách du lịch Nga không nên đến thăm khu vực này.

Trong khi đó, nhiều tổ chức đa phương mà Nga đã giúp khởi xướng trong hai thập kỷ qua đang lung lay. BRICS, tổ chức của các cường quốc phi phương Tây mà Nga thành lập cùng với Brazil, Trung Quốc, và Ấn Độ vào năm 2009, đã đón nhận thêm nhiều thành viên hơn nhưng không tạo ra được nhiều kết quả hữu hình. Vấn đề là Putin tuyên bố đang xây dựng một trật tự thế giới thay thế, nhưng trật tự thế giới đó hoặc là tồn tại hoặc là không tồn tại. Nó không thể là trật tự thay thế, và không thể tồn tại nếu không có phương Tây. Hơn nữa, các thành viên của BRICS và các tổ chức khác được cho là để giữ các nước thuộc Liên Xô cũ trong quỹ đạo của Putin có lợi ích đa phương của riêng họ và cũng muốn hợp tác với Trung Quốc, Châu Âu, và Mỹ như với cựu đế quốc này. Không có quốc gia nào ngoài chính Nga tuyên thệ trung thành với Rome Thứ Ba, ngay cả khi nó được trang bị đầy những tên lửa siêu thanh mới. Tóm lại, sự bành trướng của đế chế tưởng tượng đã làm suy yếu thay vì củng cố nhà nước lạc hậu của nhà độc tài.

BINH LÍNH, KHÔNG PHẢI GIÁO VIÊN

Sau một phần tư thế kỷ nắm quyền, Putin dường như ngày càng xa rời thực tế. Như một người trong cuộc đã nhận xét, ông ấy đang “ở trong không gian.” Ông dường như xem những khiếm khuyết cấu trúc ngày càng lớn của Nga là thành tựu chứ không phải là dấu hiệu của tình trạng kinh tế kém cỏi. Các nhà kinh tế ước tính rằng lực lượng lao động hiện đang thiếu khoảng 4,8 triệu người; cùng với sự suy giảm lâu dài của dân số trong độ tuổi lao động, việc hàng trăm nghìn người “di dời” – nghĩa là đã rời khỏi Nga kể từ năm 2022 – hoặc xuống chiến hào, đã làm cạn kiệt thêm nguồn lao động. Không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về mức độ mất mát, nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến nhân khẩu học và thị trường lao động của nước này trong nhiều thập kỷ tới. Theo một số ước tính, riêng các trường học ở Nga có thể thiếu gần nửa triệu giáo viên. Các vấn đề về nhân sự tương tự, dù ít nghiêm trọng hơn đang hoành hành trong các lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác.

Nền kinh tế dân sự đang suy yếu. Ngành xây dựng là một ví dụ điển hình: do nhu cầu thấp và chi phí tăng vọt – giá vật liệu xây dựng đã tăng 64% từ năm 2021 đến năm 2024 – tốc độ khởi công nhà ở mới đã chậm lại đáng kể. Các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn khác bao gồm vận tải hàng hóa, với tình hình bị trầm trọng hơn do mạng lưới đường sắt chậm lại; vận tải đường bộ, với chi phí nhiên liệu tăng và việc thiếu tài xế; khai thác khoáng sản; và nông nghiệp, vốn từng là niềm tự hào của chế độ Putin. Nhìn chung, xuất khẩu không còn là nguồn của tăng trưởng nữa. Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục, nhưng triển vọng bị lu mờ bởi giá cả ngày càng cao. Theo số liệu chính thức, lạm phát ở Nga vào năm 2024 là 9,52%. Rõ ràng, để tạo sự thoải mái về mặt tâm lý cho người dân, chính phủ không muốn lạm phát hàng năm tăng lên hai chữ số. Tuy nhiên, giá các sản phẩm trái cây và rau quả đã tăng 22,1% và bơ tăng thậm chí còn cao hơn là 36,2%. Trong nhóm các sản phẩm phi thực phẩm, giá dịch vụ tăng 11,5%; xăng tăng 11,1%; và thuốc men tăng 10,6%. Không thể khẳng định rằng người dân không cảm nhận được tác động.

Bất chấp điều đó, nền kinh tế chiến tranh vẫn hoạt động hết công suất. Thống kê chứng minh sản xuất công nghiệp đang tăng tốc trong các lĩnh vực cung cấp hàng hóa trung gian và linh kiện cho ngành công nghiệp quốc phòng: luyện kim, chế tạo máy, xe cộ, thiết bị điện, máy tính, và điện tử. Chính phủ tiếp tục đổ tiền vào lĩnh vực công nghiệp quân sự, hứa hẹn triển vọng nghề nghiệp được cải thiện và mức lương ngày càng cao cho bất kỳ ai tham gia. Putin cần phải cho thế hệ trẻ thấy rằng con đường dẫn đến sự nghiệp thành công nằm ở chiến tranh. Nhưng việc liên tục điều động lực lượng đã phải trả giá đắt, theo ước tính, chính phủ hiện phải chi tới 23 tỷ đô la một năm chỉ để thu hút tân binh. Kể từ đầu năm 2025, một số khu vực đã bắt đầu tăng lương cho những người làm việc theo hợp đồng quân sự, cho thấy mức độ mà “công việc” này không được ưa chuộng. Nhà nước cũng khuyến khích người trẻ đăng ký vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp trung cấp, nơi đào tạo các chuyên ngành mà nền kinh tế bán quân sự đang cần. Để đáp ứng nhu cầu về kỹ sư trong tổ hợp công nghiệp quân sự, Điện Kremlin cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ các chuyên ngành kỹ thuật trong giáo dục đại học.

Tất cả những điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về việc dự trữ ngân sách của Nga có thể duy trì chiến tranh trong bao lâu. Liệu các nguồn lực có bắt đầu cạn kiệt vào năm 2025 hay không? Ngoài ra còn có nguy cơ xảy ra thảm họa do con người gây ra khi chính phủ bỏ bê cơ sở hạ tầng dân sự ọp ẹp của đất nước. Tàu hỏa trật bánh, hệ thống sưởi ấm hư hỏng, và các tai nạn về trang thiết bị khác, và máy bay nội địa gặp sự cố đã trở nên thường xuyên đến mức đáng báo động. Vào tháng 12/2024, hai tàu chở dầu cũ kỹ của Nga chở đầy nhiên liệu đã bị hư hại nặng nề do một cơn bão ở Eo biển Kerch, nơi ngăn cách Nga với Crimea, phun hàng nghìn tấn dầu xuống biển và gây ra một thảm họa môi trường nghiêm trọng. Một trong hai tàu chở dầu đã mắc cạn, và chiếc còn lại chỉ đơn giản là bị gãy làm đôi; cả hai đều đã hoạt động trong khoảng 50 năm. Trong khi đó, tại các vùng biên giới Belgorod và Kursk của Nga và các vùng nội địa như Tatarstan, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đang trở nên thường xuyên. Đối với người dân Nga bình thường, không có điều gì trong số này tạo nên cảm giác an toàn.

THẾ GIỚI ĐƯỢC PHÂN CHIA LẠI

Bằng cách đặt cược mọi thứ vào chiến tranh, Putin đã khiến người Nga ngày càng mệt mỏi với nó. Trong khối dân đã xuất hiện những dấu hiệu kiệt sức: các cuộc khảo sát của Trung tâm Levada cho thấy phần lớn dân số rõ ràng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, với con số đạt 57% vào tháng 11, gần với mức cao nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu. (Con số giảm nhẹ xuống 54% vào tháng 12, nhưng tỷ lệ người Nga nói rằng họ phản đối hòa bình vẫn không thay đổi trong nhiều tháng, ở mức 37%.) Đối với phần lớn những người ủng hộ hòa bình, vẫn có hai điều kiện quan trọng: Nga phải giữ lại “các vùng lãnh thổ mới” mà nước này đã giành được kể từ năm 2022 và Ukraine không được gia nhập NATO. Cuộc thăm dò cho thấy, nếu các điều kiện này được đáp ứng, thì việc chấm dứt chiến tranh sẽ làm hài lòng một bộ phận đáng kể dân số Nga, những người sẽ xem đó là một “chiến thắng.” Hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình đã tăng lên sau chiến thắng bầu cử của Trump, dù cả dân thường và giới tinh hoa đều bày tỏ sự hoài nghi về bất kỳ kết quả tức thời nào. Vào tháng 10/2024, 37% số người được Trung tâm Levada khảo sát đồng ý với ý kiến cho rằng việc Trump tái đắc cử sẽ tốt cho Nga, và một con số gần bằng – 33% – cho rằng quan hệ giữa Nga và Mỹ có thể cải thiện dưới thời ông; nhưng một con số thậm chí còn cao hơn, 46%, nói rằng kết quả của cuộc bầu cử Mỹ không quan trọng.

Dấu hiệu về sự bất mãn của công chúng với một xã hội quân sự hóa không ngừng và với những thách thức kinh tế không có nghĩa là người Nga đang quay lưng lại với Putin. Nhưng chúng đã chứng minh rằng đại đa số những người ủng hộ chiến tranh cũng nóng lòng muốn nó kết thúc. Theo nghĩa này, dư luận ở nước Nga của Putin phải được hiểu, không phải như một khối đá nguyên khối bất động, mà là một dòng dung nham di chuyển chậm có thể thay đổi hướng khi các yếu tố bên ngoài thay đổi. Có lẽ đây là điều khiến Điện Kremlin lo lắng. Vào tháng 11/2024, các chuyên gia tuyên truyền của Điện Kremlin đã thảo luận về cách có thể khiến “đa số bình tĩnh” xem hòa bình là chiến thắng và đảm bảo rằng những người trở về từ chiến hào sẽ được đối xử tử tế. Trong số những cựu chiến binh đó sẽ có nhiều tù nhân của ngày hôm qua, những người chịu khuyết tật về thể chất, và những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Theo ý tưởng của Putin, những người đã tham gia chiến đấu nên được cung cấp một con đường nhanh chóng để trở thành quản lý thông qua một chương trình đặc biệt. Các quan chức dân sự hầu như không vui mừng trước viễn cảnh cạnh tranh như vậy.

Nhiệm vụ của Điện Kremlin vào năm 2025 là duy trì một dân số bình tĩnh. Điều này là cần thiết bất kể Putin có tiếp tục cuộc chiến tiêu hao trong bối cảnh đình lạm và thiếu hụt lao động hay không, hoặc liệu ông có cho phép một thỏa thuận hòa bình có hiệu lực – mà không có sự đầu hàng hoàn toàn của kẻ thù –  hay không, và tìm ra những cách mới để củng cố đa số ủng hộ mình. Dù đối với Putin, việc chấm dứt chiến dịch đặc biệt cũng sẽ tốn kém tương đương với việc duy trì nó, nhưng vẫn có một lối thoát: ông có thể tiếp tục chiến tranh kéo dài với phương Tây – bằng các biện pháp lạnh thay vì nóng. Điều quan trọng nhất là tránh bất kỳ cảm giác thất bại nào, dù chỉ một phần. Nhưng vấn đề là, dù sớm hay muộn, một cuộc chiến không hồi kết có thể tạo ra ấn tượng, nếu không phải là thất bại, thì là trì trệ. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với nền kinh tế quân sự hóa. Vào năm 2025, dù có ngừng bắn hay không, thì cảm giác rằng Putin đang đứng trước một ngã ba đường là điều không thể tránh khỏi. Ông có thể trì hoãn một thời gian, nhưng ông còn bao nhiêu thời gian, ngay cả trong một xã hội đóng băng trong sự thờ ơ?

Trong ba năm qua, Nga đã bước vào giai đoạn cuối cùng trước khi một đế chế sụp đổ, một giai đoạn mà trong những thế kỷ trước, không chỉ giúp nước này mở rộng lãnh thổ của mình trên khắp châu Âu và châu Á mà còn khuất phục chính dân số của mình. Đó là một kiểu tự thực dân hóa. Giờ đây, quá trình đó lại diễn ra một lần nữa vì cuộc chiến hiện tại của Putin có hai mặt trận – bên ngoài và bên trong. Một ý tưởng cũ hơn về nước Nga vẫn chưa bị phá hủy là trả thù những thế hệ mới, những thế hệ vô tội đang hy sinh mạng sống của mình để theo đuổi sự vĩ đại không thể phục hồi. Ngay cả khi đế chế tưởng tượng đang mở rộng và “trở lại mạnh mẽ hơn” trong tâm trí của Putin và các cấp dưới của ông, thì nước Nga cũng không còn là một thực thể đế quốc nữa.

Tuy nhiên, một thỏa thuận hòa bình sẽ chỉ làm Putin hài lòng nếu ông ta có thể quyết định rằng nước Nga cũ đã được khôi phục và thế giới một lần nữa được phân chia giữa các siêu cường: một sự pha trộn giữa Munich và Yalta, một thỏa thuận mua bán hòa bình và chính thức hóa cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng đế chế Nga được tái lập này sẽ chỉ là một đế chế ở trong đầu Putin. Nó sẽ bị từ chối ở mọi nơi khác. Một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột Ukraine vẫn còn rất xa vời, vì hai bên có cách diễn giải rất khác nhau về những nhượng bộ cần thiết. Nhưng nếu thỏa thuận đó trở thành sự thật, thì nó cũng không đủ để Putin chia lại châu Âu với Trump, giữ Nga trong liên minh chặt chẽ với Trung Quốc, và tiếp tục chơi trò chơi của mình với “đa số toàn cầu.” Để hoàn thiện bức tranh “công bằng” của mình về thế giới, Putin cần Ukraine, chứ không phải các quốc gia vùng Baltic, Phần Lan, hay Ba Lan. Nhưng với kiểu bành trướng đó, ông lại không có đủ nguồn lực vật chất và nhân khẩu học, hoặc sự kiên nhẫn của người dân Nga.

Ngay cả bây giờ, Putin đã bắt đầu có những mâu thuẫn của riêng mình – ông không xem phần phía tây Ukraine là lãnh thổ “của mình” vì, không giống như Crimea và phần phía đông Ukraine, về mặt văn hóa và lịch sử, nó là phương Tây và theo nghĩa này, nó xa lạ với ông. Nếu một cuộc chiến tranh lạnh mới xảy ra, thì phương Tây cũng có thể bước vào một kỷ nguyên kiềm chế mới. Nhưng đây là một tình huống phức tạp hơn nhiều so với ngày xưa. Thay vì hai siêu cường chủ yếu là lý trí, thế giới hiện đang bị ba nhà lãnh đạo khó lường và nguy hiểm bắt làm con tin: Putin, Trump, và Tập.

Andrei Kolesnikov là thành viên Hội đồng Cố vấn Khoa học của Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan.