Mặt trận thứ hai của Putin: Kiểm soát người dân Nga

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “Putin’s Second Front,” Foreign Affairs, 07/04/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành cuộc chiến giành lấy tinh thần của người Nga.

Trong hơn hai thập niên qua, những người dân thường ở nước Nga của Vladimir Putin chí ít cũng có thể tin tưởng vào một quyền cơ bản: quyền được thụ động. Chừng nào họ còn sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước nạn tham nhũng của tầng lớp chóp bu và sự cai trị không hồi kết của chế độ Putin, thì họ không bắt buộc phải thể hiện rằng mình tích cực ủng hộ chính phủ. Họ không quan tâm nước Nga đang làm gì trên thế giới. Chỉ cần họ không can thiệp vào công việc của giới thượng lưu, họ được tự do sống cuộc sống của mình.

Kể từ khi chính phủ Nga tuyên bố “động viên một phần” vào tháng 9 và tháng 10 năm 2022, quyền tự do đó đã bị tước bỏ. Chẳng còn ai có thể thảnh thơi. Ngày càng có nhiều người Nga phụ thuộc kinh tế vào nhà nước nhận ra rằng họ phải là những người tích cực ủng hộ Putin – hoặc chí ít phải giả vờ như vậy. Vâng lời chế độ và công khai ủng hộ “chiến dịch đặc biệt” giờ đây gần như đã là điều thiết yếu để trở thành một công dân tốt. Vẫn có thể tránh tỏ ra trung thành với chế độ chuyên chế, và Nga vẫn chưa phải là một hệ thống toàn trị. Nhưng một số tầng lớp quan trọng trong xã hội – ví dụ, giáo viên – đang bị buộc phải tham gia vào các hoạt động ủng hộ công khai, chẳng hạn như các bài học về lòng yêu nước hiện là bắt buộc tại trường học vào các ngày thứ Hai. Thường thì đây chỉ là nghi thức, nhưng đôi khi tình cảm là có thật. Tự nguyện tố cáo đã trở nên thường xuyên hơn, và thực ra còn được khuyến khích. Ví dụ nổi tiếng là vụ một giáo viên tố cáo một bé gái 13 tuổi đã vẽ một bức tranh phản chiến: cha của cô bé bị bắt, còn bản thân em bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Trong tháng 4, cựu tổng thống Dmitry Medvedev đã kêu gọi người dân tố cáo những ai nhận tiền hoặc việc làm từ các nguồn Ukraine.

Đối với Putin, sự hình thành một nước Nga mới, “ngoan ngoãn” cũng quan trọng như những gì đang xảy ra ở Ukraine. Gần như ngay từ khi bắt đầu xâm lược Ukraine, Điện Kremlin đã tiến hành cuộc chiến thứ hai ở chính nước Nga, và cuộc chiến này khó có thể kết thúc dù cho xung đột ở Ukraine có bị đóng băng. Xã hội dân sự Nga sẽ tiếp tục đối mặt với sự đàn áp có hệ thống. Chế độ Putin hiểu rằng bằng cách tạo ra bầu không khí thù hận và không tin tưởng lẫn nhau, họ có thể khiến một bộ phận xã hội trở nên không khoan dung với những người phản đối Putin và chiến tranh. Trước đây, các anh hùng của Liên Xô là những người như Yuri Gagarin, người đầu tiên chinh phục không gian, nhưng bây giờ, ví dụ về hành vi “anh hùng” đến từ các thành viên phe ly khai (ở Donbas) hoặc các blogger ủng hộ chiến tranh có quá khứ tội phạm – chẳng hạn như blogger bị sát hại gần đây với bút danh Vladlen Tatarsky. Chiến tranh đã đưa những con người này lên đỉnh cao và biến họ thành những “anh hùng”.

BẢN NĂNG GỐC

Cuộc chiến tại Nga đã bắt đầu từ rất lâu trước khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine. Suốt 10 năm qua, khi mô hình chính phủ chuyên chế của ông dần thành hình, Putin đã có thể đánh thức trong công chúng Nga nhu cầu về một đế quốc vĩ đại, vốn đã ngủ quên từ rất lâu. Khi chính phủ Nga dần thay thế chủ nghĩa tiêu dùng tư sản bằng luận điệu cường quốc và cuộc tấn công vào xã hội dân sự, họ đã tìm thấy một nhóm đối tượng tương đối dễ bảo trong cộng đồng dân cư đã quen với quan hệ thị trường nhưng lại không hiểu ý nghĩa thực tế của dân chủ. Tuy nhiên, bước nhảy vọt về chất trong tình cảm của công chúng đã đến với việc Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014. “Chúng ta đã trở nên vĩ đại một lần nữa!” nhiều người nghĩ. Đổi lại, tư duy đế quốc và sự tách biệt ngày càng tăng của Nga khỏi phương Tây đã khuyến khích người dân lựa chọn một quan điểm sơ khai hơn về thế giới.

Điều đó không có nghĩa là người Nga muốn chiến tranh: họ muốn một cuộc sống bình thường. Nhưng tổ quốc, đại diện bởi Putin, đang kêu gọi: Chúng ta đã bị tấn công. Chúng ta đã đáp trả bằng một cuộc tấn công phủ đầu và phải đoàn kết. Ai dám chống lại điều đó đều là những kẻ phản quốc. Sau hơn một năm chiến tranh, thái độ này đã ăn sâu vào tâm thức người dân. Đúng là có sự mệt mỏi vì chiến tranh, và hơn một nửa số người được hỏi trong các cuộc thăm dò của Trung tâm Levada độc lập nói rằng họ muốn hòa bình – tất nhiên, ngầm định rằng họ vẫn sẽ giữ Donbas và Crimea cho Nga. Nhưng sự suy đồi đạo đức chung là rất nghiêm trọng.

Đáng ngạc nhiên, đối với những người dân bình thường, điểm hấp dẫn của Putin không còn là hiện đại hóa, những phần thưởng kinh tế cùng mức sống được nâng cao mà ông từng hứa hẹn, mà là được quay về một quá khứ tàn bạo hơn. Ngày càng có nhiều người tự hào rằng Nga có thể tự dựa vào các nguồn tài nguyên của chính mình và tin vào hình ảnh một quốc gia cứng rắn được trang bị cả vũ khí hạt nhân lẫn lính đánh thuê man rợ. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, một bộ phận nhỏ nhưng có tiếng nói lớn trong xã hội Nga – khoảng 15% dân số, như một số nhà xã hội học ước tính – đã kêu gọi hãy tàn nhẫn với kẻ thù của nước Nga, và luôn nghi ngờ bất kỳ đồng bào nào không tuân theo đường lối của đảng, cũng như những người có thể trở thành mối đe dọa cho quốc gia hoặc, theo cách nói của Putin, là “bọn cặn bã”. Một hệ thống tư pháp ngày càng độc đoán hiện đang đưa ra những bản án tù nặng nề cho những người bất đồng chính kiến, và văn hóa bạo lực ngoài vòng pháp luật đang được bình thường hóa bởi Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, nhà thầu bán quân sự có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin.

Nhưng sự thay đổi trong thái độ của công chúng cũng trùng hợp với một thay đổi khác quan trọng hơn: về quan hệ của người dân Nga với chế độ. Trước đây, xã hội Nga được xác định bởi mô hình chúng ta chống lại họ. Trong đó, “chúng ta” là những người Nga bình thường, bất lực, phần lớn cảm thấy bị bỏ lại một mình; còn “họ” ám chỉ những nhà lãnh đạo, trong điện Kremlin và tại những cơ quan quan trọng khác, những người sống trong cung điện, đi nghỉ trên du thuyền, và thường khinh miệt dân thường. Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh, mô hình theo chiều dọc đó đã bị biến đổi thành một mô hình khác, theo chiều ngang. Giờ đây, “chúng ta” có nghĩa là toàn bộ người Nga, bao gồm cả Putin và đoàn tùy tùng của ông ta; và “họ” ám chỉ các cường quốc thù địch – Châu Âu, NATO và Mỹ – những người đang cố gắng ngăn cản sự hợp nhất các lãnh thổ lịch sử của Nga. Theo mô hình này, tất cả những khác biệt trước đây giữa người dân và chế độ phải bị lãng quên, bởi nước Nga đang bị tấn công. Mọi người phải đoàn kết vì Tổ quốc, và quả thật, họ phải sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình vì đất nước. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là những mệnh lệnh này không được tất cả mọi người chấp nhận, nhưng việc chúng được lặp đi lặp lại không ngừng đã có tác dụng thôi miên đối với nhiều người, trong khi đó, một số người, để không trở nên khác biệt, đã học cách lặp lại chúng.

Đối với thiệt hại kinh tế do cuộc đối đầu với phương Tây gây ra, người Nga đã học được cách đối phó. Một pháo đài đang bị bao vây luôn có nhiều cách để mang về nhu yếu phẩm: chế độ Nga đã thành thục trong việc xuất khẩu hàng hóa sang phía đông, và nhập khẩu hàng lậu qua đường Thổ Nhĩ Kỳ hoặc một số nước Trung Á. Cho đến nay, các chính sách tương đối hiệu quả của Ngân hàng Trung ương Nga và khả năng quản lý kinh tế đã cứu Putin khỏi những thất bại kinh tế xã hội (dù rõ ràng là nguồn thu ngân sách nhà nước đang trong tình trạng nghiêm trọng). Do đó, Thủ tướng Mikhail Mishustin, người gắn liền với chính sách kinh tế của đất nước và khéo léo để tránh bị miêu tả là một nhà kinh tế học thời chiến, đang ngày càng trở nên nổi tiếng. Theo Trung tâm Levada, khi người Nga được hỏi họ tin tưởng chính trị gia nào nhất, Mishustin hiện được nêu tên thường xuyên hơn Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, ông chỉ đứng sau mỗi Putin.

Đối với những người tích cực ủng hộ Putin và cả những người tuân thủ thụ động, chiến tranh không còn chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống hàng ngày. Nó đã trở thành một lối sống. Và thay vì coi nó là một sự gián đoạn kéo dài, người ta đã bắt đầu coi nó như một hiện thực bình  thường vĩnh viễn. Chắc chắn, ai cũng hiểu rằng mục tiêu là chiến thắng. Nhưng mục tiêu đó đã bị đẩy quá xa vào tương lai, đến mức nó trở thành một biểu tượng xa vời, tương tự như giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản đối với nhiều thế hệ người dân Liên Xô. Để có thể bước vào tình trạng chiến tranh vĩnh viễn, nhiều người Nga đã phải chấp nhận logic méo mó của kẻ đã khơi mào cuộc xung đột và kéo cả nước vào cuộc. Nói cách khác, họ tìm kiếm sự an ủi tinh thần nơi chế độ và ý tưởng đoàn kết dân tộc mà nó đại diện, bất kể điều đó sẽ gây tổn hại đến cuộc sống của chính họ và đến tương lai của đất nước như thế nào. Những người ủng hộ Putin đã nhận ra: hoặc anh là một phần của chúng ta, hoặc anh là kẻ phản bội quốc gia.

NHÀ ĐỘC TÀI KHÔNG BIÊN GIỚI

Làm thế nào mà người Nga có thể thích ứng với tình huống cực đoan này một cách dễ dàng như vậy? Đầu tiên, nhiều người cảm thấy bị thôi thúc phải ở trong “dòng chính” và thuận theo tự nhiên: đây là điều mà nhà phân tâm học thế kỷ 20 Erich Fromm, khi viết về các điều kiện xã hội đã góp phần tạo nên chủ nghĩa phát xít, đã gọi bằng cái tên nổi tiếng là “thoát khỏi tự do” (escape from freedom). Chẳng ai muốn mình trở thành kẻ bị ruồng bỏ hoặc kẻ thù của nhân dân. Nhưng điều không kém phần quan trọng là khả năng dân thường chấp nhận những hoàn cảnh thay đổi triệt để – miễn là vẫn có thể duy trì một số yếu tố của cuộc sống bình thường. Đó là lý do mà cuộc chiến ở Ukraine chỉ được thực hiện một phần: động viên một phần, nền kinh tế thời chiến một phần, đàn áp một phần, cắt giảm mức sống một phần. Trong hình thức chủ nghĩa toàn trị một phần này, người dân có thời gian để điều chỉnh và từng bước trải nghiệm một cuộc sống suy giảm hơn so với trước đây, để dần xem nó là điều bình thường mới.

Tuy nhiên, một lời giải thích khác cho sự sẵn sàng thích nghi của người Nga là Putin đã luân phiên việc động viên – cả về quân sự và tinh thần – với việc giảm động viên. Ngay bây giờ, đất nước đang trong giai đoạn “giảm động viên”: trong các bài phát biểu và các chuyến thăm cấp nhà nước, Putin nhấn mạnh các vấn đề kinh tế xã hội, và trong lúc chính phủ tìm cách bắt đầu đợt động viên tiếp theo, họ đã tránh gọi nó là động viên, và thay vào đó sử dụng các cụm từ quan liêu mơ hồ như “làm rõ dữ liệu hồ sơ quân sự.” Nói cách khác, xã hội Nga đã bước vào thời kỳ làm quen với chiến tranh. Và chừng nào người Nga chỉ trải nghiệm một phần cuộc chiến chứ không phải toàn bộ, họ sẽ không cảm thấy quá lo lắng về nó. Theo Trung tâm Levada, dân thường Nga đang ngày càng ít quan tâm đến các sự kiện ở Ukraine. Vào tháng 9, khi lệnh động viên một phần được công bố, khoảng 66% dân số cho biết họ ít nhiều đang theo dõi tình hình cuộc chiến. Tuy nhiên, đến tháng 3, con số đó đã giảm xuống còn 53%, với 47% người được hỏi thừa nhận rằng họ ít hoặc không quan tâm đến chiến tranh.

Tuy nhiên, người Nga cũng đã được giúp đỡ bởi câu chuyện lịch sử mới mà Putin trao cho họ. Một phiên bản thần thoại hóa của lịch sử quốc gia đã được sử dụng để biện minh cho sự thù địch với cả phương Tây và kẻ thù trong nước. Điện Kremlin đã tạo nên một đền thờ những người bảo vệ tổ quốc, trong đó Đại Vương công thời trung cổ Alexander Nevsky, Sa hoàng thế kỷ 16 Ivan Bạo chúa, và Joseph Stalin ngồi bên cạnh Đại Vương công thế kỷ 10 Vladimir, Sa hoàng thế kỷ 17 Peter Đại đế, và Vladimir Putin. Câu chuyện hoành tráng và vinh quang về đế chế đã giúp nhiều người Nga chấp nhận thực tại của họ: bởi họ luôn “đặc biệt” và luôn bị tấn công, nên họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sống trong tình trạng xung đột vĩnh viễn với phương Tây.

Vẫn còn một con đường khác: di cư trong nước – không tham gia vào quá trình chính trị – hoặc thực sự đi lưu vong. Xã hội Nga hiện đang tồn tại một ranh giới kỳ lạ giữa chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa toàn trị, giữa nghĩa vụ tuân theo các yêu cầu của nhà nước trong mọi việc, và khả năng thực hiện một số quyền tự do nhất định, dù hạn chế, trong cuộc sống riêng tư. Nước Nga đã trở thành một quốc gia nằm trên ranh giới (a borderline state), theo mọi nghĩa của từ này. Biên giới của Nga hiện đang di động. Chúng phụ thuộc phần lớn vào các sự kiện trong tương lai, và quan trọng hơn, chúng không được phần còn lại của thế giới công nhận. Sống cùng sự bất định này không thực sự thoải mái, nhưng nó là việc khả thi. Thời kỳ hậu Xô Viết đã làm xuất hiện nhiều quốc gia không được công nhận – Abkhazia, Nam Ossetia, Transnistria – và chúng đã tồn tại trong tình trạng lấp lửng suốt nhiều năm. Giờ đây, Crimea và Donbas cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tình trạng đó dường như không có hồi kết – chí ít là cho đến khi có một hồi kết cho Putin.

CHUYẾN TÀU VÔ ĐỊNH

Vào lúc này, rất khó để xác định liệu chiến thắng hay thất bại sẽ trông như thế nào đối với Putin và những người ủng hộ tích cực hay thụ động của ông. Ngay cả khi có thể đàm phán một lệnh ngừng bắn, thì cuộc xung đột có lẽ vẫn sẽ dẫn đến những giai đoạn đóng băng và tan băng. Bất kể điều gì xảy ra ở Ukraine, chế độ của Putin sẽ tiếp tục đàn áp bất kỳ ai có suy nghĩ khác biệt hoặc dám phản kháng – hay chỉ đơn giản là từ chối công khai ủng hộ chế độ. Những chính sách này sẽ tiếp tục bất kể Nga đang tích cực chiến đấu chống lại Ukraine và phương Tây, hay xung đột đang ở trong giai đoạn nguội lạnh hoặc ngủ yên. Và chúng sẽ được ủng hộ bởi một công chúng bị Putin hóa.

Ngoài sự căm ghét mới nhắm vào những người còn lương tâm và những người cảm thấy tội lỗi trước thảm họa do chính phủ của họ gây ra, còn có nhiều câu hỏi đối với những người Nga trở về từ chiến hào. Họ nghĩ gì, và họ sẽ làm gì? Họ là ai, và họ sẽ nhắm vào ai trong cơn tức giận? Họ sẽ nắm giữ quyền lực chính trị, hay họ sẽ trở thành một nhóm người bị ruồng bỏ khác? Hội chứng chiến tranh của họ sẽ có tác động gì đến bầu không khí chung? Những câu hỏi quan trọng này vẫn chưa được trả lời.

Hiện tại, Putin có lẽ đang tin rằng có sự đoàn kết thực sự trong nhân dân của ông; rằng chiến tranh đang trở thành – như lời phát ngôn viên Điện Kremlin Sergey Kiriyenko – “một cuộc chiến tranh nhân dân”; rằng có sự nổi lên của một nhóm binh lính thất vọng và gia đình của họ, những người muốn thấy sự trả thù chống lại phương Tây và người Ukraine cho tất cả những gì mà họ đã phải trải qua. Tính đến nay, Putin vẫn có thể kiểm soát giới tinh hoa. Ông cũng đã thành công trong việc hồi sinh ý thức hệ sô-vanh, đảo ngược quá trình hiện đại hóa ở một xã hội đã từng phi ý thức hệ hóa và hiện đại hóa. Ông đã huy động được rất nhiều người ủng hộ cuộc chiến – cả về mặt xã hội lẫn quân sự. Không có gì ngạc nhiên khi ông coi mình là đấng toàn năng.

Putin đã xoay sở để tập trung quyền lực to lớn vào tay mình. Nhưng càng tích lũy nhiều quyền lực, ông càng khó thư giãn và trao quyền cho người khác. Ông không thể chấp nhận việc tự do hóa hệ thống hay cắt giảm quyền lực của chính mình. Vậy nên chỉ còn một con đường duy nhất: bám lấy quyền lực cho đến cùng. Putin đang ở cùng vị trí với Stalin vào đầu những năm 1950. Chính trong những năm cuối đời đó, nhà độc tài Liên Xô đã dùng đến những biện pháp ngớ ngẩn và phi lý để củng cố quyền lực của mình, từ những lời đe dọa đầy hoang tưởng dành cho những đồng chí thân thiết nhất, cho đến việc chống lại “bọn theo chủ nghĩa đại đồng mất gốc” và ủng hộ các lý thuyết ngu dân trong khoa học. Vì lý do này, Putin cần một cuộc chiến lâu dài với những kẻ mà ông cho là “đặc vụ nước ngoài” và kẻ thù quốc gia – “bọn theo chủ nghĩa đại đồng mất gốc” của riêng ông. Đó là một cuộc chiến phải được tiến hành ở cả trong và ngoài nước, dù nóng hay lạnh, trực tiếp hay hỗn hợp. Và Putin phải liên tục hành động: dừng lại là một điều xa xỉ đối với ông.

Việc nhận ra thực tế này không thể xoa dịu những người hy vọng vào một giải pháp cho chiến tranh. Nhưng một đoàn tàu không phanh có thể đâm vào tường. Nó cũng có thể chỉ đơn giản là hết nhiên liệu và dừng lại. Hiện tại, nó vẫn đang tiến về phía trước – chẳng đi đến đâu cả, bởi không ai biết nó phải đi đến đâu, kể cả người cầm lái.

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.