07/03/1936: Hitler tái chiếm vùng sông Rhine

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Hitler reoccupies the Rhineland, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1936, lãnh đạo Đức Quốc Xã Adolf Hitler đã vi phạm Hiệp ước Versailles và Hiệp ước Locarno khi đưa quân Đức vào Rhineland, một khu vực phi quân sự dọc theo sông Rhine ở phía Tây nước Đức.

Hiệp ước Versailles, được ký  vào tháng 07/1919 – tám tháng sau khi Thế chiến I kết thúc – bao gồm các điều khoản về bồi thường chiến phí và trừng phạt hòa bình đối với nước Đức thua trận. Sau khi bị buộc phải ký hiệp ước, đoàn đại biểu Đức tại hội nghị hòa bình đã thể hiện thái độ bằng cách bẻ gãy chiếc bút họ đang dùng. Theo Hiệp ước Versailles, lực lượng quân sự Đức bị cắt giảm tới mức không đáng kể và Rhineland bị biến thành khu vực phi quân sự.

Năm 1925, sau khi một hội nghị hòa bình châu Âu được tổ chức tại Thụy Sĩ kết thúc, Hiệp ước Locarno đã được ký, tái khẳng định biên giới các quốc gia theo Hiệp ước Versailles và phê chuẩn để Đức gia nhập Hội Quốc Liên. Cái gọi là “tinh thần Locarno” khi ấy tượng trưng cho kỳ vọng vào một kỷ nguyên hòa bình và thiện chí của châu Âu. Năm 1930, Ngoại trưởng Đức Gustav Stresemann đã đàm phán để nhóm quân Đồng minh cuối cùng rút khỏi vùng Rhineland phi quân sự.

Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau đó, Adolf Hitler và Đảng Quốc Xã đã lên nắm toàn quyền ở Đức, hứa hẹn sẽ trả thù những nước Đồng minh đã buộc họ phải tuân theo Hiệp ước Versailles. Năm 1935, Hitler đơn phương hủy bỏ các điều khoản quân sự của hiệp ước. Tháng 03/1936, ông ta lên án Hiệp ước Locarno và bắt đầu tái vũ trang khu vực Rhineland. Hai năm sau đó, Đức Quốc Xã bắt đầu bành trướng ra ngoài lãnh thổ của mình, xâm lược Áo và một số vùng thuộc Tiệp Khắc. Năm 1939, Hitler xâm lược Ba Lan, và Thế chiến II tại châu Âu chính thức bùng nổ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]