Tương lai Iran hậu bầu cử tổng thống

Nguồn: Javier Solana, “The Iranian Opportunity,” Project Syndicate, 22/05/2017.

Biên dịch: Lê Xuân Thuận | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tuần trước, người dân Iran đã quyết định tiếp tục đi theo con đường mở cửa. 57% cử tri đã bầu cho nhà cải cách, Tổng thống Hassan Rouhani, đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Các nước khác trên thế giới nên chào đón chiến thắng của Rouhani như một cơ hội nữa để cải thiện quan hệ với một quốc gia vốn là trọng tâm trong tiến trình hướng tới một Trung Đông hoà bình hơn.

Với việc giành hơn 50% số phiếu, Rouhani đã tránh được một cuộc bỏ phiếu vòng hai, giống như bốn năm trước khi ông đắc cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Nhưng không như năm 2013, khi chiến thắng áp đảo của ông là một bất ngờ lớn, trong cuộc bầu cử lần này hầu hết các nhà quan sát đều coi Rouhani là ứng cử viên sáng giá. Xét cho cùng, từ năm 1981 đến nay, mỗi đời tổng thống Iran đều phục vụ trong hai nhiệm kỳ.

Rouhani có nhiều khả năng giành phần thắng, nhưng cuộc bầu cử không chỉ đơn thuần mang tính hình thức. Đối thủ chính của ông, Ebrahim Raisi, vị Hojatoleslam[1] theo đường lối bảo thủ cứng rắn đã tích cực vận động tranh cử – và nhận được sự ủng hộ ngầm của Lãnh tụ Tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Chiến thắng của Rouhani một lần nữa chứng minh rằng ứng cử viên thân tín của Lãnh tụ Tối cao Iran cũng không được đảm bảo là sẽ chiến thắng.

Cuộc bầu cử này có ý nghĩa rất lớn. Iran đang nằm ở khoảnh khắc then chốt trong lịch sử nước này – và những hàng dài người dân háo hức đi bỏ phiếu rõ ràng đã cho thấy người dân Iran biết điều đó. Thật vậy, bất chấp sự thiếu minh bạch của chế độ Iran, người dân vẫn biết đến vấn đề sức khoẻ của Lãnh tụ Khamenei. Chính Khamenei gần đây cũng đã thừa nhận rằng khả năng người kế nhiệm ông được chỉ định trong tương lai gần là “không hề thấp.”

Vấn đề ai giành được chức tổng thống trong thời gian chuyển giao đó chắc chắn là rất quan trọng. Với việc Khamenei từng giữ chức tổng thống trước khi leo lên vị trí lãnh đạo chính trị và tôn giáo tối cao của Iran, không khó nhận ra rằng ứng cử viên bảo thủ Raisi, nếu như ông đắc cử, rất có thể sẽ trở thành người kế nhiệm Khamenei. Tuy nhiên, chiến thắng quyết định của Rouhani có thể đã làm giảm đáng kể cơ hội của Raisi.

Những viễn cảnh của Iran dưới sự lãnh đạo của Rouhani có vẻ khá khác trước. Luận điệu về sự mở cửa của ông không đơn thuần là ra vẻ chính trị. Có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất của điều này là thoả thuận hạt nhân mà ông đã đạt được với sáu nước – Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh, và Mỹ – và Liên minh châu Âu vào năm 2015. Thoả thuận đó đã đặt ra những giới hạn rất nghiêm ngặt lên chương trình hạt nhân của Iran để đổi lại sự nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, Liên minh châu Âu và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chắc chắn, tổng thống Iran có địa vị thấp hơn Lãnh tụ Tối cao. Và, quả thực, thoả thuận hạt nhân có thể đã không thể đạt được nếu như không có sự chấp thuận của Khamenei, điều giúp giải thích tại sao không có ứng cử viên nào bị chất vấn về thoả thuận này trong thời gian tranh cử. Tuy nhiên, tổng thống vẫn nắm giữ quyền lực đáng kể, cả về chính sách đối nội vốn là trọng tâm của chiến dịch tranh cử (một thực tế thường thấy ở Iran).

Đặc biệt, Rouhani và Raisi đã cố gắng tỏ ra nổi bật bằng các cách diễn giải rất khác nhau về ảnh hưởng của thoả thuận hạt nhân lên nền kinh tế trong nước. Rouhani tin rằng thoả thuận này là khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế, hiện đang ở mức khoảng 7% một năm. Tuy nhiên, những người phản đối ông cho rằng sự tăng trưởng này chủ yếu chỉ phản ánh sản lượng xuất khẩu dầu cao hơn, đồng thời chỉ ra rằng sự tăng trưởng này không đem lại lợi ích cho mọi tầng lớp trong xã hội khi nhiều hộ gia đình Iran vẫn phải chịu cảnh nghèo đói và thất nghiệp. Khamenei cũng chỉ trích nặng nề chính sách kinh tế của Rouhani, kêu gọi một cách tiếp cận mang tính tự cung tự cấp hơn nhiều.

Nhưng diễn giải của Rouhani về những thách thức của Iran lại thuyết phục hơn nhiều. Trên thực tế, việc đẩy mạnh mở cửa đã đem lại lợi ích to lớn cho Iran. Cái đang níu đất nước này lại là những rào cản còn sót lại đang bủa vây nền kinh tế Iran, bao gồm sự cô lập của Iran khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, dẫn tới sự thiếu hụt tín dụng dai dẳng và trầm trọng.

Tin xấu là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người phản đối thoả thuận hạt nhân trong suốt thời gian tranh cử, và Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hoà chiếm đa số lại có một lập trường cứng rắn với Iran, và đang không khuyến khích đầu tư vào đất nước này. Điều này đem lại sự hậu thuẫn chính trị cho những người vốn cáo buộc Rouhani là đã ngây thơ khi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ chào đón một Iran cởi mở hơn.

Trong những người hoài nghi có nhóm người bảo thủ mà đại diện là Raisi, những người nhìn phương Tây với sự hồ nghi. Nếu Raisi giành chiến thắng, sự mất lòng tin lẫn nhau giữa Mỹ và Iran có thể đã trầm trọng hơn, bất chấp phát biểu ủng hộ thoả thuận hạt nhân của Raisi.

Tuy nhiên, chiến thắng của Rouhani có thể sẽ giúp làm dịu luận điệu chống Iran của chính quyền Trump. Trên thực tế, chỉ vài tuần trước, chính quyền Trump đã buộc phải thừa nhận rằng Rouhani đang hoàn thành nhiệm vụ của Iran trong thoả thuận hạt nhân. Quả thực, sự ủng hộ to lớn của người dân Iran đối với Rouhani đã đem đến sự đảm bảo vững chắc nhất rằng tinh thần đằng sau thoả thuận hạt nhân sẽ vẫn không thay đổi.

Nhưng Trump sẽ không làm mọi chuyện dễ dàng với Rouhani. Để đảm bảo Iran tiếp tục tiến trình thực hiện cam kết quốc tế – từ đó bảo vệ một thoả thuận hạt nhân mà Trump không thiết tha bảo vệ – chính phủ Rouhani sẽ phải làm việc vất vả hơn để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Hơn nữa, Iran sẽ cần theo đuổi một lập trường mang tính xây dựng hơn về cuộc nội chiến Syria, tỏ rõ Iran không dẫn đầu một phong trào giải phóng của người Hồi giáo dòng Shia.

Vào ngày người dân Iran đi bỏ phiếu, Trump đã đến Ả Rập Saudi – một lựa chọn đáng lưu ý cho chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của ông. Hy vọng chuyến thăm Trung Đông ngắn ngày của Trump sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hoà bình ở khu vực. Iran đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ trên phương diện đó. Đó là một cơ hội không nên bỏ phí.

Javier Solana nguyên là cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, tổng thư ký NATO, và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha. Ông hiện là giám đốc Trung tâm ESADE về Kinh tế và Địa chính trị Toàn cầu, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, và là thành viên Hội đồng Chương trình Nghị sự Toàn cầu về châu Âu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Xem thêm:

Cô dâu mặc váy xanh và câu chuyện về tương lai Iran

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Iranian Opportunity

————-

[1] Một tước vị danh dự dành cho các giáo sĩ Hồi giáo.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]