Ý nghĩa thực sự của các kỳ đại hội Đảng ở Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Kerry Brown, “Order, order in Chinese Communist Party congresses”, East Asia Forum, 15/10/2017.

Biên dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cuối cùng, ngày 18 tháng 10 năm 2017 đã được thông báo là ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Thông tin này càng củng cố nhận thức về một tiến trình tẻ nhạt được xem như là chiến lược chủ đạo của giới lãnh đạo Bắc Kinh (đối với đại hội Đảng lần này). Không giống như năm 2012, một năm đầy kịch tính cũng như sự bất định trước thềm đại hội Đảng, lần này mọi thứ sẽ diễn ra như một cỗ máy. Không có dấu hiệu nào cho thấy có sự bất đồng nội bộ ở Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Sự bảo đảm được định sẵn như vậy cho chúng ta biết rất nhiều điều về các kỳ đại hội và vai trò của chúng. Ai cũng muốn chứng kiến các kỳ đại hội đình đám được tổ chức 5 năm một lần này giống với các kỳ hội nghị của các chính đảng phương Tây. Nhưng tất nhiên, đại hội Đảng của Trung Quốc được tiến hành trong một bối cảnh nơi đảng này là đảng duy nhất có vai trò. Trung Quốc không cần dùng những sự kiện này để thuyết phục cử tri về một đường lối chính sách cụ thể hay cố gắng gây sự chú ý của công chúng, hay thậm chí là để quyết định Đảng sẽ làm gì.

Nước này không tổ chức các kỳ đại hội Đảng để đưa ra các lựa chọn chính sách hay phơi bày các cuộc đấu đá công khai đầy kịch tính. Các kỳ đại hội cũng không đánh dấu sự mở đầu của bất kỳ cuộc tranh luận nào, mà thay vào đó, được tiến hành sau khi các cuộc thảo luận và tranh luận bí mật đã kết thúc sau cánh gà. Bất kỳ sự bất đồng hay các cuộc thảo luận nóng bỏng nào có thể xảy ra đều sẽ phần lớn được tiến hành hàng tuần hoặc hàng tháng trước đó. Do vậy, các kỳ đại hội Đảng, trong bối cảnh Trung Quốc, tốt nhất nên được coi là dịp nhằm đề cao sự đồng thuận, hài hòa và đồng lòng nhất trí. Gần như không bao giờ xảy ra xung đột hay đấu đá giữa các nhân vật then chốt.

Năm nay, bí mật mở lớn nhất về kỳ đại hội, như hầu hết các kỳ đại hội trong vòng 4 thập niên gần đây kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế, là việc đại hội đã được tập dượt sẵn, và là một vở kịch được dàn dựng công phu. Vai trò chủ yếu của đại hội chính là nhằm tái khẳng định và truyền đi thông điệp về một dàn lãnh đạo hài hòa, thống nhất và tinh hoa. Chỉ khi đặt trong bối cảnh đó thì đại hội Đảng mới có chức năng và ý nghĩa nhất định.

Tuy vậy, vẫn có những lần chệch hướng bất ngờ. Vào năm 2012, việc đại hội phải lùi sang tháng 11 và dàn lãnh đạo đã không được giới thiệu mãi tới một vài ngày sau là những dấu hiệu cho thấy mọi thứ không phải diễn ra hoàn toàn theo kế hoạch. Năm nay, chúng ta có thể yên tâm rằng gần như sẽ không có chuyện tương tự xảy ra. Mọi nỗ lực sẽ được tập trung vào việc thể hiện tính chất dễ đoán định, yên bình, ổn định, và gần như nhàm chán đến buồn ngủ. Không phải vì Trung Quốc yên bình, ổn định hay dễ đoán một cách nhàm chán, mà chính xác là vì điều ngược lại.

Đó là bởi vì có rất nhiều rủi ro cao cũng như nhiều vấn đề tiềm tàng, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc phải dùng dịp thay đổi quan trọng này để truyền đi thông điệp rằng Trung Quốc vẫn đang trong trật tự và yên bình. Nước này không thể phơi bày các lục đục và vấn đề trong nội bộ ra công khai. Điều đó sẽ khiến người dân lo lắng và sợ hãi. Trung Quốc cần thể hiện rằng mình đang hoàn toàn kiểm soát được mọi thứ.

Đến cuối cùng, thông tin quan trọng nhất mà Đại hội sẽ đưa ra chính là việc những vị lãnh đạo nào được thăng tiến, ai sẽ nghỉ hưu, và họ sẽ nắm giữ vị trí nào trong thứ bậc của bộ máy. Các vấn đề về lãnh đạo và các nhà lãnh đạo tinh hoa gần như là dấu hiệu đại diện cho các lựa chọn chính sách cụ thể. Trong khi chúng ta thường chú ý đến việc tìm ra các liên kết và mạng lưới phe phái nổi lên trong giới tinh hoa, điều khó tiên đoán hơn lại là khuynh hướng chính sách của những người cuối cùng được đề bạt là gì. Điều quan trọng cần quan tâm là liệu các nhà lãnh đạo mới có mối liên hệ rất rõ ràng với Tập Cận Bình thông qua sự nghiệp trước đây của họ hay không, và những gì họ có thể đã đạt được ở các tỉnh hoặc bộ ngành mà họ từng làm việc trước đây.

Điểm khác biệt chủ yếu sẽ là giữa những người có quan điểm tự do kinh tế thị trường của Trung Quốc và những người ủng hộ vai trò quản lý kinh tế của nhà nước một cách rộng rãi hơn. Đây có lẽ là địa hạt duy nhất nơi có thể diễn ra cho các cuộc thảo luận chính trị thực sự và biểu hiện của sự tự chủ ở một mức độ nào đó. Gần như chắc chắn rằng, sẽ không có những lời bàn tán về việc cải cách kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi chính trị. Đại hội năm 2017 sẽ là một dịp ca ngợi những ưu điểm của nền cai trị độc đảng, và sự cần thiết của việc duy trì mọi thứ như vậy.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng thế giới đang dõi theo họ sát sao chưa từng có. Sự bất định về nước Mỹ đã tạo ra những khoảng trống lớn hơn cho Trung Quốc trên trường quốc tế. Thương mại tự do, đối phó với biến đổi khí hậu, đầu tư ra nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng thông qua chấp nhận quyền tiếp cận lớn hơn đối với thị trường nội địa Trung Quốc – đây là những lĩnh vực nơi Trung Quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì thế, Đại hội năm nay, dù chủ yếu nhắm đến người dân trong nước, vẫn là một cơ hội để Trung Quốc cho thấy ưu điểm dễ đoán định của nền cai trị độc đảng đối với phần còn lại của thế giới.

Lợi ích của việc áp đặt kiểm soát và trật tự một cách mạnh tay không thương tiếc này là điều quan trọng nhất có thể rút ra từ các kỳ đại hội. Trong nội bộ Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, nhu cầu tiếp tục đường lối “ủng hộ sự ổn định”, trọng tâm của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, vẫn chưa hề phai nhạt. Kỳ đại hội này sẽ phơi bày một nghịch lý cực lớn của một đất nước bề ngoài thì tự tin và nổi bật, nhưng đồng thời lại là một nơi mà ngay cả một chút khả năng xảy ra sự bất đồng công khai nhưng lịch sự, hay các cuộc tranh luận nội bộ của giới tinh hoa, cũng được xem là mối đe dọa.

Điều này làm dấy lên câu hỏi dai dẳng rằng các kỳ đại hội như vậy thể hiện sức mạnh hay điểm yếu của Trung Quốc. Những người Trung Quốc quan tâm theo dõi sự kiện này sẽ phải tự quyết định câu trả lời. Còn các đại biểu tham dự đại hội sẽ phải dồn toàn bộ sự tập trung của mình để đảm bảo rằng chiếc mặt nạ của mình sẽ không bị rơi xuống.

Kerry Brown là Giáo sư Trung Quốc học và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lau China tại Đại học King’s College London (Anh).