Hoạt động của một phi công Mỹ tham chiến ở Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Wayne Schell, “In the Air Over Vietnam”, The New York Times, 31/03/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cái nóng ngột ngạt phả vào mặt khi chuyên cơ Continental của chúng tôi hạ cánh xuống căn cứ không quân Biên Hòa vào một buổi chiều cuối mùa hè năm 1966, nhưng thứ làm tôi ngạc nhiên hơn là những hoạt động đáng kinh ngạc đang diễn ra xung quanh. Nhiều chuyên cơ khác cũng đang tới, các máy bay chiến đấu F-100 và F-5 liên tục cất cánh và hạ cánh, các máy bay vận chuyển C-130 thì liên tục nhận hàng và dỡ hàng. Một chiếc U-2 bay vòng quanh căn cứ, từ từ đạt đến cao độ cho một nhiệm vụ trinh sát. Hàng toán lính xếp hàng ngay ngắn, bước lên một chuyến bay khác của Continental để trở về quê nhà. Tôi đã sớm biết rằng điều mà tất cả mọi người trong quân đội đều dõi theo, thậm chí còn hơn cả số binh sĩ thiệt mạng hàng ngày, là đếm ngược ngày hồi hương – “121 ngày nữa, 120…,” một anh chàng nào đó sẽ nói sẽ đếm như vậy. Tôi cũng lên kế hoạch để quay về nhà vào cuối năm 1967.

Chúng tôi là một nhóm gồm 17 trung úy mới được thăng hàm, tất thảy đều là phi công chiến đấu cơ F-100, và giờ được phân công về một trong ba phi đội tại Biên Hòa. Mỗi người sẽ có mật danh kiểu như Dice và Ramrod (tên con trăn nhiệt đới mà anh bạn ấy nuôi làm thú cảnh); còn tôi là Saber. Cả nhóm đã hoàn thành sáu tháng huấn luyện chiến đấu, sinh tồn trên chiến trường và sinh tồn trong rừng rậm ở Philippines. Được luân chuyển đển Việt Nam và sẵn sàng chiến đấu. Các chỉ huy cũng không chắc phải làm gì với chúng tôi, những kẻ quá trẻ, quá thiếu kinh nghiệm. Nhưng chúng tôi đã học rất nhanh, và tất cả, ngoại trừ hai người, đã sống sót sau cuộc chiến.

Hai ngày sau khi đặt chân đến Việt Nam, tôi có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ở ghế sau của một chiếc F-100F, một biến thể máy bay hai chỗ ngồi, trên bầu trời Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu là con trâu, mà sau này tôi mới biết chúng có thể là phương tiện vận tải quân sự cho Việt Cộng.

Hôm sau, khi trời mới tờ mờ sáng, tôi đến gần chiếc F-100 được giao của mình, trên người khoác bộ G-suit, mang theo dù, mũ bảo hiểm và súng lục, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên trong chiếc máy bay của riêng tôi. Lúc đi ngang qua đường băng, tôi bị một sĩ quan cảnh sát chặn lại, yêu cầu xuất trình chứng minh thư; anh ấy quả thực có lý, tôi còn quá trẻ để ở bất cứ nơi nào gần máy bay chiến đấu, chứ đừng nói là lái máy bay chiến đấu một chỗ ngồi. Có lẽ tôi không giống lắm với tuổi 23 của mình.

Phần lớn các nhiệm vụ của chúng tôi tập trung ở khu vực được gọi là “Tam giác Sắt” (Iron Triangle), gần Củ Chi, một căn cứ của Việt Cộng ở phía tây bắc Sài Gòn. Trên mặt đất, nó là địa bàn của Sư đoàn 25, biệt danh Tropic Lightning (Chớp Nhiệt đới), những người đã chuyển đến đây từ căn cứ Hawaii của họ. Tam giác Sắt nằm cách Biên Hòa chỉ 10 dặm về phía tây bắc; xa hơn một chút về phía tây là rừng Hố Bò và rừng Bời Lời, những khu vực cũng được ghi nhận là có nhiều hoạt động của Việt Cộng.

Chiếc F-100, biệt danh là Super Sabre, là một máy bay đa năng. Đôi khi, chúng tôi bay các nhiệm vụ ngăn chặn (interdiction) – ném bom các mục tiêu bị nghi ngờ là có nhân viên, vật tư và boong ke của đối phương. Ban đêm sẽ là bay kiểu Sky Spots – các nhiệm vụ do radar điều phối, trong đó chúng tôi thả bom trên các khu vực bắn phá tự do mà chẳng hề nhìn thấy mục tiêu của mình.

Chúng tôi cũng tham gia các nhiệm vụ yểm trợ trên không, bao gồm thả bom và bắn hỏa tiễn vào các đơn vị địch, những người đang giao chiến với lính Mỹ hoặc đồng minh của chúng tôi. Đây là những hoạt động yêu thích của cả nhóm, vì chúng tôi biết rằng mình đang trực tiếp hỗ trợ bộ binh mặt đất. Thông thường, chúng tôi sẽ thả bom ở độ cao thấp và tốc độ cao, từ 90m đến 180m với tốc độ 450 knot (khoảng 833km/giờ), hỗ trợ song song cho lực lượng mặt đất. Nhiều nhiệm vụ trong số này đã được thực hiện cấp tốc. Các máy bay đã được tiếp đủ nhiên liệu và sẵn sàng cất cánh, chúng tôi phải ở trên không chỉ trong vòng 15 phút sau khi nhận thông báo.

Những nhiệm vụ kiểu này không phải là không có rủi ro – một động tác sai lầm có thể khiến bạn cắm đầu xuống đất (tôi vẫn còn nhớ rõ một cái cây rất cao ở khu Tam giác Sắt mà suýt chút nữa tôi đã vướng vào) và hỏa lực phòng không của kẻ thù luôn tiếp cận chúng tôi rất nhanh. Một tối nọ, trên đường trở về chỗ ngủ của mình (doanh trại được dựng từ những chiếc lều với màn chống muỗi ngăn cách giường của mỗi người), tôi thấy vị chỉ huy chuyến bay của chúng tôi đang thu gom đồ đạc của một phi công đồng nghiệp, đóng gói chúng để vận chuyển về nhà. Anh ấy vốn dĩ luôn cẩn trọng, nhưng trong nhiệm vụ thứ hai trong ngày, anh đã bị bắn hạ khi đang thả bom ở độ cao thấp.

Đôi khi nhóm sẽ tham gia các cuộc không kích của B-52. Có lần tôi đã bay với một nhiếp ảnh gia ngồi ở ghế sau của chiếc F-100F để quay một cuộc tấn công ở Hố Bò. Ba chiếc B-52 – những máy bay ném bom khổng lồ bay từ tận đảo Guam đến đây – đã thả xuống đâu chừng 100 quả bom mỗi chiếc, giống như trải thảm vậy. Khi nhìn Tam giác Sắt từ độ cao 4.500m, trông cứ như nó được khảm một hố bom sau mỗi 10m. Làm sao mà thứ gì có thể tồn tại được dưới sự tàn phá liên tục này, tôi vẫn thường tự hỏi.

Bản thân Biên Hòa tương đối an toàn, và chúng tôi ít khi rời khỏi căn cứ. Nhóm đã được cảnh báo rằng các phi công bị xem là những kẻ gieo rắc cái chết từ trên cao, và ai đó có người thân bị giết có thể sẽ tìm kiếm chúng tôi. Mọi chuyện trở nên đáng sợ hơn khi một người đàn ông lớn tuổi trong nhiều năm đã giúp dọn dẹp tòa nhà phi đội được tìm thấy đang cài một quả bom dưới phòng giao ban của chúng tôi. Ắt hẳn chúng tôi đã sát hại một trong những người thân của ông ấy.

Ngay trước Giáng sinh năm 1966, sau khi một nha sĩ tuyệt vời giúp tôi nhổ đi chiếc răng khôn, phi đội đã chuyển đến một căn cứ chiến đấu mới ở Tuy Hòa, xa hơn về phía bắc và nằm ngay sát biển. Nhiệm vụ của chúng tôi cũng thay đổi. Chúng tôi vẫn tham gia hỗ trợ trên không ở cự ly gần và thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn, nhưng sau đó cả nhóm đã nhận được một thông báo tuyệt mật vào đầu năm 1967: Chúng tôi sẽ bắt đầu ném bom ở Lào, đánh vào đường mòn Hồ Chí Minh ở phía tây khu phi quân sự. Chúng tôi đang chống lại một kẻ thù khác, các nhà cầm quyền Bắc Việt, những người đã bắn trả bằng các hệ thống phòng không mạnh mẽ. Trong hai ngày đầu tiên, hai chiếc máy bay của nhóm tôi đã bị bắn hạ (may mắn là cả hai phi công đã được cứu nhờ trực thăng). Chúng tôi nhanh chóng thay đổi chiến thuật, sử dụng ném bom bổ nhào (dive bombing) và quyết định thả bom ở độ cao 1,400m  thay vì 90m.

Bốn tháng sau, tôi được chọn lái máy bay cánh quạt, bay thấp và chậm (ở Việt Nam, loại máy bay thường dùng là O-1, với biệt hiệu Bird Dog – Chó mở đường), có nhiệm vụ bay lượn trên khu vực mục tiêu, phối hợp với lực lượng mặt đất và chỉ đạo tấn công. Dù vậy, đôi khi tôi cũng hành quân cùng bộ binh mặt đất, mang theo bộ đàm chỉ huy.

Anh bạn thân nhất và tôi (chúng tôi học chung đại học và sau đó tham gia cùng một phi đội) được thuyên chuyển đến Củ Chi, hoạt động tại căn cứ quân sự ở đó. Tôi được chỉ định vào một tiểu đoàn, mật danh Mustang – một tiểu đoàn hoạt động rất tích cực, nếu xét đến số lượng các nhiệm vụ yểm trợ trên không mà chúng tôi thực hiện. Số lượng hố bom trong Tam giác Sắt vẫn tăng trong mấy tháng tôi ở Tuy Hòa.

Một ngày nọ, với tư cách là liên lạc viên của Không quân Mỹ, tôi đã đi tuần tra mặt đất cùng một nhóm lính Việt Nam Cộng hòa, tiến vào khu Tam giác. Họ đã thuyết phục tôi rằng đây là một nhiệm vụ rất an toàn. Chúng tôi tuần tra dọc theo các lối đi trong rừng, và vị chỉ huy rất vui mừng chỉ cho tôi thấy mê cung đường hầm mà đội của ông đã phát hiện ra. Các đường hầm ở khắp mọi nơi; anh thậm chí có thể đứng ngay trên một trong số chúng. Cuối cùng tôi cũng nhận ra lý do tại sao tất cả những hố bom lại chẳng thể tạo ra khác biệt. (Các đường hầm bên dưới Củ Chi vẫn còn đó. Thật ra, giám đốc điều hành công ty cũ của tôi gần đây đã đến thăm Việt Nam trong chương trình MBA dành cho quản lý. Anh ấy đã đến thăm các đường hầm mà giờ đây đã trở thành một bảo tàng và điểm du lịch nổi tiếng. Thời gian quả đã đổi thay nhiều thứ.)

Mọi người thường hỏi tôi có bao giờ bị trúng đạn hay không. Trên cương vị một phi công, tôi chưa một lần dính đạn. Nhưng đã xảy ra một sự cố trong chuyến bay trực thăng trong một nhiệm vụ tìm và diệt.

Những nhiệm vụ này rất phổ biến hồi năm 1967. Tờ rơi sẽ được rải vài ngày trước cuộc tấn công, khuyên tất cả những “công dân tốt” người Việt Nam hãy mau sơ tán. Những kẻ còn lại sẽ bị coi là Việt Cộng. (Tôi chưa bao giờ hiểu được thứ logic ấy; tại sao người xấu lại chịu ở lại cơ chứ?) Sau đó đợt tấn công sẽ được triển khai. Trực thăng chuyên chở một tiểu đoàn quân đến tận nơi, những người này sẽ tiến hành một cuộc càn quét qua các ngôi làng, thiêu rụi các túp lều tranh và diệt sạch kẻ thù.

Tôi quan sát những nhiệm vụ này từ chiếc trực thăng chỉ huy của tiểu đoàn, bay lượn gần đó – 125 binh sĩ trên mặt đất, 12 máy bay trực thăng không kích yểm trợ, ai nấy đều sẵn sàng “vồ lấy” kẻ thù.

Đột nhiên, một hình người mặc đồ đen chạy khỏi đồng lúa, ngay trước toán lính Mỹ. Trực thăng quây tròn lại và bắt đầu bắn vào anh ta – nhưng chỉ vô ích, và điều này thực sự khiến vị đại tá ngồi trong trực thăng của chúng tôi thất vọng. Bực dọc, ông bắt đầu cầm khẩu M-16 của mình, bắn từ chiếc trực thăng của chúng tôi.

Tôi đoán anh chàng dưới kia cuối cùng cũng sợ hãi. Anh dừng lại, rút khẩu súng lục ra và bắn một phát duy nhất vào chúng tôi. Viên đạn xuyên qua sàn máy bay trực thăng, cách chân tôi khoảng 45cm. Đèn trong buồng lái tắt, và chúng tôi từ từ hạ xuống, nhẹ nhàng đâm vào đồng lúa. Người đàn ông chạy đi, không hề hấn gì.

Cuối tháng 08/1967, tôi quay trở lại Mỹ, bay chuyến của hãng United – chờ quá cảnh – từ San Francisco đến Boston. Có một đám nhóc hippies cũng đứng chờ phía trước tôi, nhưng mấy cô tiếp viên đã mời tôi lên phía trước và cho tôi ngồi trong khoang hạng nhất. Họ đúng là rất tốt với người trong quân đội.

Wayne Schell là cựu phi công trực thuộc Không quân Hoa Kỳ, đã bay hơn 300 nhiệm vụ trong Chiến tranh Việt Nam. Sau này, ông trở thành giám đốc điều hành của HSS, một công ty chuyên về bảo mật.