13/01/1842: Người Anh duy nhất sống sót sau thảm sát ở Kabul

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: After massacre, sole surviving British soldier escapes Kabul, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1832, một bác sĩ quân y Anh đã đến được đồn lính gác của Anh tại Jalalabad, Afghanistan, trở thành người duy nhất sống sót trong số 16.000 quân của lực lượng viễn chinh Anh-Ấn vốn bị tàn sát khi rút lui khỏi Kabul. Ông kể lại cuộc thảm sát khủng khiếp ở Đèo Khyber, nơi người Afghanistan đã không có một chút nương tay nào đối với lực lượng Anh-Ấn bại trận và các nhân viên tùy tùng.

Vào thế kỷ 19, với mục tiêu bảo vệ thuộc địa Ấn Độ trước người Nga, Anh đã cố gắng thiết lập thẩm quyền của mình tại nước láng giềng Afghanistan bằng cách nỗ lực thay thế tiểu vương Dost Mohammad bằng một tiểu vương trước đây vốn có thiện cảm với người Anh. Sự can thiệp trắng trợn của Anh vào các vấn đề nội bộ của Afghanistan đã châm ngòi cho cuộc Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ nhất vào năm 1839.

Năm 1840, Dost Mohammad đã đầu hàng lực lượng Anh sau khi quân đội Anh-Ấn chiếm được Kabul. Thế nhưng, sau cuộc nổi dậy của người Afghanistan tại Kabul, người Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài rút lui. Cuộc rút quân bắt đầu vào ngày 06/01/1842 nhưng bị chậm tiến độ do thời tiết. Đoàn quân đã bị tấn công bởi một nhóm người Afghanistan do con trai của Mohammad dẫn đầu, và những người thoát chết trong cuộc tấn công đã bị lính Afghanistan tàn sát sau đó. Tổng cộng 4.500 binh sĩ và 12.000 nhân viên tùy tùng đã thiệt mạng, chỉ có duy nhất bác sĩ William Bryden đã trốn thoát và thuật lại chi tiết về thảm họa quân sự này.

Để trả thù, một lực lượng khác của Anh đã xâm chiếm Kabul vào năm 1843, phóng hỏa một phần thành phố. Cuộc chiến đã kết thúc cùng năm đó và tiểu vương Dost Mohammad đã được khôi phục quyền lực. Tới năm 1857, ông đã ký hiệp ước liên minh với Anh. Năm 1878, Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ hai nổ ra và kết thúc hai năm sau đó, với kết quả Anh giành quyền kiểm soát các vấn đề đối ngoại của Afghanistan.