21/01/1977: Tổng thống Carter ân xá cho những người trốn nghĩa vụ quân sự

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: President Carter pardons draft dodgers, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter đã quyết định ân xá vô điều kiện cho hàng trăm nghìn người đàn ông trốn nghĩa vụ quân sự trong Chiến tranh Việt Nam.

Tổng cộng đã có khoảng 100.000 thanh niên Mỹ trốn ra nước ngoài vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 để tránh phải đi quân dịch. 90% số này đã đến Canada, nơi sau một số tranh cãi ban đầu, cuối cùng họ đã được chào đón với tư cách là người nhập cư. Trong khi đó, những người khác tìm cách lẩn trốn ngay tại nước Mỹ. Ngoài nhóm trốn đi nghĩa vụ thì một con số tương đối nhỏ – khoảng 1.000 người đào ngũ từ lực lượng vũ trang Mỹ cũng hướng đến Canada. Về mặt kỹ thuật, chính phủ Canada bảo lưu quyền truy tố những người đào ngũ, nhưng trên thực tế, họ đã ngó lơ những người này, thậm chí còn hướng dẫn các nhân viên biên phòng không hỏi quá nhiều câu hỏi.

Về phần mình, chính phủ Mỹ đã tiếp tục truy tố những người trốn quân dịch sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tổng cộng có 209.517 người đàn ông chính thức bị buộc tội vi phạm luật nghĩa vụ quân sự, trong khi các quan chức chính phủ ước tính còn 360.000 người khác chưa bao giờ bị buộc tội chính thức. Nếu họ trở về nhà, những người sống ở Canada hoặc nơi khác sẽ phải đối mặt với án tù hoặc nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1976 của mình, Jimmy Carter đã hứa sẽ tha thứ cho những kẻ trốn quân dịch như một cách để bỏ lại sau lưng cuộc chiến cùng những chia rẽ cay đắng mà nó gây ra. Chẳng bao lâu sau khi đắc cử, Carter đã thực hiện lời hứa của mình. Mặc dù nhiều người Mỹ trốn nghĩa vụ đã trở về nhà, ước tính có khoảng 50.000 người lựa chọn định cư lâu dài ở Canada.

Trên đất Mỹ, quyết định của Carter đã gây ra nhiều tranh cãi. Bị các nhóm cựu binh và nhiều người khác chỉ trích nặng nề vì đã tha tội  cho những người vi phạm pháp luật, không yêu nước, kế hoạch ân xá và cứu trợ này đã bị các nhóm ân xá chỉ trích vì không giải quyết vấn đề lính đào ngũ, lính bị buộc xuất ngũ, hoặc những người biểu tình phản chiến dân sự đã từng bị truy tố vì hành động phản kháng của họ.

Nhiều năm sau, nạn trốn quân dịch ở Việt Nam vẫn là vết nhơ rất lớn. Dù không có nhân vật chính trị nổi tiếng nào bị phát hiện là đã vi phạm nghĩa vụ quân sự, các Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush và các Phó Tổng thống Dan Quayle và Dick Cheney – không ai trong số họ từng tham chiến ở Việt Nam – đều bị cáo buộc là đã trốn quân dịch, lúc này hay lúc khác. Tổng thống Donald Trump thì được tạm hoãn thi hành nghĩa vụ đến năm lần trong Chiến tranh Việt Nam, một lần vì những vết thương ở gót chân của ông. Mặc dù hiện tại ở Mỹ vẫn chưa có đợt nghĩa vụ quân sự bắt buộc nào, nhưng việc đào ngũ và lên tiếng phản đối có lương tâm vẫn là những vấn đề nóng bỏng đối với lực lượng vũ trang trong các cuộc chiến gần đây ở Afghanistan và Iraq.