Thế giới hôm nay: 01/11/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc ở Glasgow, chủ tịch COP26 Alok Sharma cảnh báo thế giới gần hết cơ hội để giữ nóng lên toàn cầu ở dưới mức 1,5°C. Hội nghị thượng đỉnh này, mà ông Sharma mô tả là “hy vọng tốt nhất cuối cùng của chúng ta để giữ con số 1,5 trong tầm tay”, đặt ra mục tiêu thúc đẩy nỗ lực tập thể tham vọng nhất từ trước đến nay: ổn định hành tinh.

Cuộc bầu cử hạ viện Nhật Bản khép lại, với truyền thông địa phương cho thấy Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, vốn thống trị nền chính trị đất nước kể từ sau Thế chiến II, sẽ giành chiến thắng với thế đa số, dù giảm so với kỳ bầu cử trước. Bất chấp mong muốn cải cách trong nước, LDP đã chọn Kishida Fumio, một ứng viên mang tính tiếp nối, làm lãnh đạo đảng.

Chính phủ Pakistan ký thỏa thuận với Tehreek-e-Labbaik Pakistan, một đảng Hồi giáo bị cấm, để chấm dứt biểu tình kéo dài 10 ngày. Hàng nghìn người ủng hộ đảng này đã bắt đầu một “cuộc trường chinh” từ Lahore đến thủ đô Islamabad vào ngày 22 tháng 10 để đòi thả nhà lãnh đạo của họ, Hafiz Saad Rizvi. Ít nhất bảy nhân viên cảnh sát và bốn người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên đường đi.

Saudi Aramco cho biết thu nhập quý 3 tăng 158% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ phục hồi kinh tế toàn cầu giúp họ bán được nhiều dầu hơn với giá cao. Hãng này là công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Các công ty dầu mỏ khác cũng đang tranh thủ được thị trường. Vào hôm thứ Sáu, hai gã khổng lồ Mỹ ExxonMobil và Chevron đã báo cáo lợi nhuận quý tốt nhất trong nhiều năm qua.

Người biểu tình quay lại đường phố Sudan vào Chủ nhật, bất chấp các báo cáo cho thấy lực lượng an ninh đã bắn đạn thật và hơi cay vào đám đông một ngày trước đó, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Hàng chục nghìn người xuống đường vào thứ Bảy để biểu tình phản đối cuộc đảo chính trước đó vào thứ Hai. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói với các lãnh đạo quân sự của Sudan rằng đã đến lúc “quay trở lại khuôn khổ hợp pháp của hiến pháp.”

Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tối cao của Taliban, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi tiếp quản nhóm vào năm 2016. Ông nói chuyện với những người ủng hộ tại thành phố Kandahar, miền nam Afghanistan. Mặc dù là người đứng đầu tổ chức, nhưng người ta không thấy ông hoạt động trong chính phủ kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8, làm dấy lên nhiều đồn đoán về vai trò thực sự của ông.

Lãnh đạo các nước G20 đồng ý mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%, và chỉ còn chờ chính thức thông qua ​​vào Chủ nhật. Mức thuế này sẽ ngăn các nước lôi kéo các công ty đa quốc gia đăng ký kinh doanh với thuế thấp. Mặc dù một hiệp ước phân bổ quyền thuế vẫn phải được thảo luận vào năm tới, nhưng kỷ nguyên thiên đường thuế có thể sắp kết thúc.

TIÊU ĐIỂM

Hội nghị khí hậu COP26 khai mạc

Khi COP26, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, khai mạc tại Glasgow vào Chủ nhật, các lãnh đạo thế giới cũng vừa hoàn thành thượng đỉnh G20 tại Rome. Tuyên bố bế mạc của họ dường như không sáng sủa lắm trước thềm hội nghị khí hậu. Cụ thể, các nước G20 – chiếm khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính – tái khẳng định cam kết của họ với thỏa thuận Paris 2015 nhằm “theo đuổi nỗ lực” giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng họ né tránh cách làm cụ thể, và chỉ đưa ra cam kết “hỗ trợ” các nước loại bỏ than và tăng cường kế hoạch quốc gia để cắt giảm khí thải “nếu cần.”

Phong cách né tránh như vậy trái ngược với sự khẩn trương của Alok Sharma, chủ tịch COP26. Bài phát biểu khai mạc của ông nhấn mạnh cần thiết phải đảm bảo “cái gì Paris hứa, Glasgow phải thực hiện.” Những người tham gia tại COP26 có hai tuần để tìm cách duy trì các mục tiêu của thỏa thuận Paris. Không thể trì hoãn được nữa.

Hồng Kông có thể mở cửa du lịch với Trung Quốc, nhưng đóng với bên ngoài

Kinh tế Hồng Kông đã phục hồi một phần sau năm ngoái đặc biệt khó khăn, mà số liệu GDP sắp công bố vào thứ Hai sẽ xác nhận. Thành phố không có một ca nhiễm covid-19 địa phương nào trong hơn ba tuần. Dữ liệu di chuyển của Google cũng cho thấy nhịp sống hối hả nhộn nhịp quen thuộc của thành phố đã trở lại, vượt hơn cả mức trước đại dịch. Chính phủ cũng phát phiếu chi tiêu hào phóng với ngày hết hạn.

Nhưng Hồng Kông không thể thực sự thịnh vượng cho đến khi chính phủ thận trọng ở Bắc Kinh nới lỏng hạn chế đi lại đến và từ đại lục. Để làm điều đó, Hồng Kông phải duy trì các hạn chế hà khắc đối với du lịch đến từ nơi khác. Để mở cửa với Trung Quốc, nó phải tiếp tục đóng chặt cửa với thế giới bên ngoài.

Khí đốt châu Âu: cuộc đấu chính trị muôn thuở

Khi mùa đông đến gần, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt và các cửa hàng chật vật. Các chính trị gia châu Âu cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng là lỗi của Gazprom, một công ty nhà nước Nga. Họ cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung khí đốt để thúc đẩy  việc phê duyệt Nord Stream 2, một đường ống nối Nga và Đức. Họ cũng cáo buộc Nga bắt nạt Moldova khi tăng giá nhập khẩu khí đốt và hứa giảm giá nếu nước này bớt nồng ấm với EU.

Các chính trị gia của Châu Âu nói hành vi này đến đúng lúc có bằng chứng cho thấy Gazprom trì hoãn việc cung cấp khí cho Châu Âu. Trên thực tế, các chính sách được thiết kế kém của châu Âu để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như phụ thuộc quá mức vào năng lượng tái tạo vốn không ổn định và thiếu sót trong tự do hóa thị trường khí, là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng. Giá khí đốt giảm khi có thông tin tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho Gazprom bắt đầu nạp lại các bể chứa của châu Âu vào đầu tháng 11 (sau khi lấp đầy của Nga).

Tòa Tối cao Mỹ bắt đầu nghe điều trần về luật chống phá thai của Texas

Vào thứ Hai, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ nghe hai vụ kiện thách thức lệnh cấm phá thai sau sáu tuần của Texas. Vào ngày 1 tháng 9, các thẩm phán đã bỏ phiếu 5-4 — không điều trần và với chỉ một đoạn văn giải thích duy nhất — để cho phép các hạn chế có hiệu lực. Giờ đây họ sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn.

Mười ngày trước, tòa án đã đồng ý xử vụ Whole Woman’s Health v Jackson, một vụ kiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ phá thai, và vụ United States v Texas, một vụ kiện do chính quyền Biden đệ trình. Cả hai đều nhắm vào cách thức thực hiện của luật — cho phép công dân thực thi luật, tức cho phép người dân khởi kiện bất kỳ ai “hỗ trợ hoặc tiếp tay” phá thai và được đòi 10,000 đô la từ bên bị kiện. Bằng cách đưa việc thực thi ra khỏi tay quan chức bang, Texas đã khéo léo né tránh các vụ kiện liên bang. Các nguyên đơn cho rằng luật của Texas “vô hiệu hóa một cách trắng trợn” gần 50 năm án lệ của Tòa án Tối cao công nhận quyền phá thai theo hiến pháp. Texas coi điều này là “lời lẽ gây chia rẽ.” Họ lập luận rằng “Không có gì bị vô hiệu hóa.”