Nguồn: “The Yalta Conference commences”, History.com (truy cập ngày 3/2/2016)
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Vào ngày này năm 1945, Tổng thống Franklin D. Roosevelt (Mỹ), Thủ tướng Winston Churchill (Anh), và Thủ tướng Joseph Stalin (Liên Xô) đã gặp nhau tại Yalta, Crimea, để thảo luận và lập kế hoạch cho thế giới hậu chiến – cụ thể là giải quyết sự phân bổ lại quyền lực và ảnh hưởng. Nhiều người cho rằng chính tại Yalta Chiến tranh Lạnh đã ra đời.
Các cường quốc đã xác định rằng một nước Đức bại trận sẽ được chia cắt thành các khu vực chiếm đóng của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, và Liên Xô, các cường quốc chính của phe Đồng Minh. Một khi đã vào Đức, quân đội Đồng Minh sẽ giám sát việc giải thể bộ máy quân đội Đức và truy tố các tội phạm chiến tranh. Một ủy ban đặc biệt cũng sẽ xác định việc bồi thường chiến phí.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất, và điều đưa hội nghị này vào lịch sử, là kế hoạch của Joseph Stalin đối với Đông Âu. (Các đòi hỏi của Stalin đã bắt đầu thể hiện từ sớm qua mong muốn hội nghị được tổ chức tại một khu nghỉ mát ở Biển Đen gần Liên Xô. Stalin tuyên bố ông đã quá yếu nên không thể đi xa.) Roosevelt và Churchill đã cố gắng để tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại nhà độc tài Liên Xô; các cố vấn của họ đã vạch ra các lập trường rõ ràng về châu Âu, cũng như việc thành lập và sứ mệnh của Liên Hợp Quốc. Họ đưa ra các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương, được định hình từ hồi tháng 8 năm 1941, vốn sẽ đảm bảo “cuộc sống, quyền tự do, độc lập và tự do tôn giáo” cho một châu Âu tự do, đồng thời đảm bảo rằng chỉ những quốc gia đã tuyên chiến với phe Trục mới được tham gia vào tổ chức Liên Hợp Quốc mới.
Stalin đã đồng ý với các nguyên tắc chung này (mặc dù ông đã rút lời hứa của mình rằng tất cả 16 nước cộng hòa thuộc Liên Xô sẽ có đại diện riêng tại Liên Hiệp Quốc), cũng như đồng ý với thỏa thuận rằng nhóm bộ ba cường quốc sẽ giúp bất kỳ quốc gia nào trước đây từng nằm dưới sự kìm kẹp của một cường quốc phe Trục có thể thành lập các “cơ quan chính phủ lâm thời đại diện rộng rãi cho tất cả các thành phần dân chủ trong dân chúng… và thành lập sớm nhất có thể các chính phủ đáp ứng nguyện vọng của người dân thông qua bầu cử tự do.”
Hướng tới mục tiêu đó, Roosevelt và Churchill đã ủng hộ chính phủ lưu vong của Ba Lan ở London, trong khi Stalin ngần ngại, nhấn mạnh rằng Ủy ban Giải phóng Dân tộc Ba Lan do những người cộng sản chi phối theo kiểu Xô-viết và đặt trụ sở tại Ba Lan, sẽ lên nắm quyền. Thỏa hiệp duy nhất đạt được là việc đưa các nhóm chính trị “khác” vào ủy ban này. Các đường biên giới mới của Ba Lan cũng đã được đưa ra thảo luận, nhưng các bên không đạt được kết luận nào.
Hội nghị mang lại ảo giác về sự thống nhất hơn là trên thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh Stalin nuốt lời không đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử tự do ở các quốc gia Đông Âu mà Liên Xô chiếm đóng sau khi chiến tranh kết thúc. Roosevelt và Churchill đã tin vào các lời hứa của Stalin, chủ yếu là bởi vì họ cần phải như vậy, khi họ cho rằng sự hỗ trợ của Liên Xô nhằm đánh bại Nhật Bản là rất quan trọng. Trong thực tế, Liên Xô đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều so với giả định trong việc chấm dứt chiến tranh ở Thái Bình Dương. Nhưng mọi thứ không thể quay ngược trở lại. Một “bức màn sắt” gây chia rẽ, theo cách nói nổi tiếng của Churchill, đã bắt đầu hạ xuống châu Âu.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]