Lý do và hậu quả của việc Anh muốn rời EU

brexit1

Nguồn: Ana Palacio, “The Causes and Consequences of Brexit”, Project Syndicate, 01/02/2016.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Viễn cảnh Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu) đang hoàn toàn ở trước mắt chúng ta. Cuộc họp Hội đồng châu Âu sắp tới có nhiều khả năng sẽ dẫn đến một thỏa thuận về các điều kiện liên quan đến tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh – một thỏa thuận sẽ được đặt trước cử tri Anh trong một cuộc trưng cầu dân ý, sớm nhất là vào mùa hè năm nay.

Nhưng, trong khi mọi việc tiến triển rất nhanh về phía trước, Anh và EU cần dành một chút thời gian để suy nghĩ cẩn thận. Cuối cùng thì, bất chấp sự trấn an đến từ cả hai bên, không ai biết được cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra như thế nào, càng không biết cách vượt qua hậu quả nếu cử tri Anh chọn việc ra đi.

Cuộc trưng cầu dân ý là yếu tố bất định trước mắt nhất. Kinh nghiệm lịch sử chỉ ra rằng, khi các cử tri đưa ra những quyết định như vậy, họ hiếm khi tập trung vào vấn đề chính. Ví dụ như trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp EU năm 2005, người Hà Lan tập trung vào đồng euro, trong khi người Pháp lại lo lắng rằng các thợ ống  nước đến từ Ba Lan sẽ lấy đi việc làm của họ.

Cho đến giờ, các dấu hiệu chỉ ra rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sắp tới cũng sẽ diễn ra theo chiều hướng tương tự, với việc người bỏ phiếu tập trung vào những ý tưởng đơn giản, các định kiến và cảm tính hơn là những cân nhắc thực tế. Và phe phản đối EU cho đến giờ là bên cuồng nhiệt hơn – và kích động hơn trong luận điệu của họ.

Từ quan điểm của châu Âu, điều này thực sự đáng lo ngại. Ai cũng biết sự ra đi của Anh sẽ giáng một đòn nặng nề lên sự hội nhập châu Âu, có thể gây ra đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Nhưng người Anh cũng nên lo lắng về hậu quả của sự rút lui này, nếu họ có một chút để ý đến việc nó sẽ dẫn tới những điều gì.

Vấn đề ở chỗ phần lớn người Anh chỉ có chút ít nhận thức về sự bất ổn mà “Brexit” (việc Anh rời khỏi EU) tạo ra. Ngoài ảnh hưởng đến phong trào đòi độc lập của Scotland, Thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành (Good Friday Agreement) với Ireland, và “quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ, còn có những câu hỏi quan trọng khác liên quan đến tương lai của mối quan hệ Anh-EU. Nhiều người ủng hộ việc rút lui chọn ra các chính sách và quy định, chẳng hạn như là quy định của hiệp ước thương mại tự do của EU với Canada và Singapore, để ghép với nhau thành cái nhìn về cuộc sống của nước Anh bên ngoài châu Âu. Họ muốn người Anh tin vào việc không chỉ Thành phố London (City of London – một khu vực thuộc Đại London) vẫn là trung tâm tài chính hàng đầu châu Âu, mà nước Anh cũng sẽ giữ được quyền tiếp cận thị trường EU hợp nhất, thậm chí khi không có dịch chuyển lao động một cách tự do.

Việc này chỉ là ảo tưởng. Mặc dù Anh vẫn giữ được vị thế mạnh trên trường quốc tế về mặt chính sách quốc phòng và ngoại giao, lợi thế trong thương thảo các thỏa thuận thương mại và đầu tư – bao gồm cả với bản thân EU, hiện đang chiếm phân nửa thương mại nước Anh – sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Đó là kinh nghiệm của những nước ngoài EU như Thụy Sỹ và Na Uy. Thực tế, các nhà lãnh đạo EU đã không hài lòng với quyền tiếp cận của Thụy Sỹ đối với thị trường chung châu Âu; và ý tưởng rằng họ sẽ cho Anh sự tiếp cận đó, đặc biệt sau khi đã bị cho một cú tát vào mặt, là không thuyết phục.

Một số người cho rằng Brexit có thể sẽ giống sự rút lui được đàm phán khá thuận lợi năm 1985 của Greenland ra khỏi Cộng đồng kinh tế châu Âu (European Economic Community – EEC), là sự rút lui duy nhất từng xảy ra. Nhưng hoàn cảnh thì lại hoàn toàn khác nhau. EEC còn nhiều hạn chế của 30 năm trước không thể so sánh với EU nhiều sức mạnh ngày nay, cũng như Greenland trở nên lu mờ khi so sánh với Vương quốc Anh về quy mô kinh tế cũng như vị thế chính trị.

Hơn nữa, sự rút lui của Greenland dễ dàng hơn đáng kể bởi mối ràng buộc hiến pháp của hòn đảo với một thành viên EEC là Đan Mạch, nước tiếp tục đại diện cho lợi ích của Greenland trong các cơ quan châu Âu. Với việc không có một đại diện thích hợp như vậy để làm mọi việc dễ dàng hơn cho nước Anh, các cuộc đàm phán sau khi người dân bỏ phiếu đồng ý rút lui sẽ phức tạp và gay gắt, đồng thời còn kéo dài nhiều năm nữa.

Tất cả mọi sự không chắc chắn này đều sẽ gây ảnh hưởng xấu, cho cả các doanh nghiệp lẫn công dân bình thường. Ai sẽ cam kết đầu tư dài hạn vào Anh khi không biết ở đó sẽ có những thỏa thuận pháp lý nào?

Để tránh hậu quả này, Hội đồng châu Âu nên khẳng định triển vọng ổn định hơn của Anh trong tư cách thành viên EU, trong khi thể hiện sự linh hoạt căn bản của châu Âu. Hiện Anh đã được cho phép không tham gia khu vực Schengen, khu vực đồng tiền chung châu Âu euro, cũng như các vấn đề pháp lý và nội vụ. Nay EU còn cho thấy thiện chí tìm kiếm một thỏa hiệp hợp lý với các yêu cầu của Thủ tướng Anh David Cameron.

Trong một vài lĩnh vực, như tăng cường khả năng cạnh tranh và hợp lý hóa các quy định, sự đồng thuận sẽ đạt được một cách tương đối dễ dàng. Thỏa thuận cũng có thể đem lại cho quốc hội các quốc gia vai trò lớn hơn trong dẫn dắt các quy định pháp lý của EU mặc dù đề xuất của ông Cameron cho phép quốc hội giơ “thẻ đỏ” (phủ quyết) đối với các đạo luật EU sẽ là yêu cầu quá mức.

Còn về yêu cầu của ông Cameron đòi chấm dứt nghĩa vụ hiệp ước của Anh trong việc hướng tới một “liên hiệp gần gũi hơn”, chìa khóa để thỏa hiệp có thể có nhiều sắc thái. Thay vì tiến tới hội nhập sâu hơn giữa các thành viên, có lẽ EU nên chuyển sự tập trung sang đoàn kết người dân châu Âu một cách chặt chẽ hơn.

Vấn đề cuối cùng có lẽ là gai góc nhất: nhập cư và phúc lợi. Cameron đã kêu gọi thực hiện chương trình “tạm dừng” 4 năm về phúc lợi nơi làm việc và cho con cái đối với dân nhập cư EU làm việc tại Anh – cách tiếp cận mà nhiều người cho là mang tính phân biệt đối xử. Một sự thay đổi có thể dọn đường hướng tới thỏa hiệp cho vấn đề đầy cảm tính này là phải vạch đường giới tuyến rõ ràng giữa cuộc thảo luận này với những tranh cãi về khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra. Trọng tâm phải đặt lên người Ba Lan và Latvia (có nhiều công dân làm việc tại Anh), mà không phải là người Syria.

Vào năm 1953, Winston Churchill đã có tuyên bố nổi tiếng: ”Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó; chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”. Nếu cuộc họp Hội đồng châu Âu sắp tới có thể đạt được một thỏa hiệp phản ánh được tinh thần này, Brexit có thể tránh được, và có lợi cho tất cả mọi người. Nhưng, với kết quả trưng cầu dân ý còn chưa rõ ràng, kể cả một thỏa thuận có lợi cũng là chưa đủ. Khi mà sự ảo tưởng và thao túng tiếp tục chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận của người Anh, nước Anh- và châu Âu- có thể đang chờ một sự bất ngờ có tính toán.

Ana Palacio, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, là một thành viên của Hội đồng Nhà nước Tây Ban Nha, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và là thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu về Hoa Kỳ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Causes and Consequences of Brexit

Xem thêm:

Điều kiện để Anh ở lại Liên minh Châu Âu