03/06/1990: Bush và Gorbachev kết thúc thượng đỉnh lần hai

1032_Bush_Gorbachev

Nguồn: Bush and Gorbachev end second summit meeting”, History.com (truy cập ngày 3/6/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1990, Tổng thống George Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kết thúc cuộc họp thượng đỉnh ba ngày với những lời ấm áp thể hiện tình hữu nghị nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về việc thống nhất nước Đức.

Bush và Gorbachev đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai của họ ở Washington, DC. Chủ đề chính của cuộc đối thoại là tương lai của một nước Đức thống nhất. Chế độ cộng sản ở Đông Đức đã sụp đổ và bức tường Berlin đã bị phá bỏ vào năm 1989. Tuy nhiên, sự khác biệt đã nảy sinh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô về vấn đề một nước Đức thống nhất trong một châu Âu vẫn trong tình trạng Chiến tranh Lạnh. Phía Mỹ muốn nước Đức mới trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn được thành lập năm 1949 như là một tổ chức phòng thủ chung chống lại sự bành trướng của Liên Xô vào Tây Âu.

Trong khi đó, Liên Xô, vốn lo sợ trước một nước Đức thống nhất và có vũ trang, đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tư cách thành viên NATO của Đức. Gorbachev đã đề xuất rằng nước Đức mới nên là thành viên của cả khối NATO và khối Hiệp ước Vac-sa-va, tổ chức tương đương NATO bên khối cộng sản. Ngoài ra các thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh thứ hai cũng đề cập đến số phận của Litva, nước cộng hòa Xô-viết vốn đã tuyên bố độc lập vào cuối năm 1989. Chính phủ Liên Xô phản ứng mạnh tay  trước phong trào đòi độc lập của Litva, áp đặt trừng phạt kinh tế và đe dọa sẽ can thiệp quân sự. Chính quyền Bush đã rõ ràng ủng hộ Litva độc lập và yêu cầu chính phủ Liên Xô chấm dứt thái độ đe dọa đối với nước cộng hòa này.

Hội nghị thượng đỉnh đã không đạt được thỏa thuận nào liên quan đến Đức lẫn Litva, hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan. Tuy nhiên, Tổng thống Bush muốn kết thúc cuộc họp với một nhận xét tích cực, tuyên bố rằng: “Chúng tôi đã đi được một chặng đượng xa, rất xa nếu so với thời đỉnh cao Chiến tranh Lạnh. Tôi không biết làm thế nào để định lượng được điều đó cho các bạn, nhưng chúng tôi đã không bao giờ có thể có được các cuộc thảo luận tại Trại David như hôm qua, hay như khi chúng tôi ngồi trong Phòng Bầu dục một vài ngày trước đó, với Tổng thống Gorbachev vào 20 năm trước.” Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra trong năm tiếp theo đã làm cho các vấn đề được nêu ra tại hội nghị không còn phù hợp nữa. Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Liên Xô đã khiến Gorbachev phải từ chức tổng thống vào tháng 12 năm 1991, thời điểm Liên Xô chấm dứt sự tồn tại của mình.

Xem thêm:

Năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản (P1)

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]