Nguồn: “Leader of Hungarian uprising executed”, History.com (truy cập ngày 16/06/2016)
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Vào ngày này năm 1958, Imre Nagy, cựu thủ tướng Hungary và là biểu tượng của cuộc nổi dậy năm 1956 ở nước này nhằm chống lại sự cai trị của chế độ Xô-viết, đã bị treo cổ vì tội phản quốc bởi chính quyền cộng sản Hungary.
Sau khi trở thành thủ tướng của nước Hungary cộng sản vào năm 1953, Nagy đã ban hành một loạt các cải cách tự do và chống lại sự can thiệp của Liên Xô vào các vấn đề của đất nước mình. Ông đã bị cách chức vào năm 1955 và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Hungary vào năm 1956. Ngày 23 tháng 10 năm 1956, nhằm phản ứng lại sự đối xử của chính quyền cộng sản đối với Nagy và các cải cách của ông, các sinh viên và công nhân Hungary đã đổ xuống các đường phố Budapest để tiến hành các cuộc biểu tình chống Liên Xô.
Chỉ trong vài ngày, các cuộc nổi dậy đã leo thang thành một cuộc cách mạng quy mô lớn trên toàn quốc, và chính phủ Hungary rơi vào hỗn loạn. Nagy tham gia cuộc cách mạng và đã được phục hồi chức thủ tướng, nhưng vị bộ trưởng trong chính phủ của ông là Janos Kadar đã hình thành một chế độ đối lập và yêu cầu Liên Xô can thiệp.
Vào ngày 4 tháng 11, lực lượng Liên Xô khổng lồ gồm 200.000 lính và 2.500 xe tăng đã tiến vào Hungary. Nagy xin tị nạn tại đại sứ quán Nam Tư nhưng sau đó đã bị bắt giữ bởi các mật vụ Liên Xô sau khi rời khỏi đại sứ quán theo một cam kết được ra đi an toàn. Gần 200.000 người Hungary đã bỏ chạy khỏi đất nước, và hàng ngàn người bị bắt, bị giết, hoặc bị xử tử trước khi cuộc nổi dậy của Hungary cuối cùng bị dập tắt. Nagy sau đó được bàn giao cho chế độ của Janos Kadar, người đã kết án và xử tử ông vì tội phản quốc. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Hungary, thi hài của Nagy đã chính thức được an táng lại với các lễ nghi đầy đủ. Khoảng 300.000 người Hungary đã tham gia lễ an táng này.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]