Nguồn: Sinan Ulgen, “The Strategic Consequences of Turkey’s Failed Coup”, Project Syndicate, 18/07/2016
Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Một cuộc đảo chính quân sự chống lại một chính phủ dân cử thường làm dấy lên làn sóng phân tích về định hướng tương lai của đất nước sau khi chế độ dân chủ bị sụp đổ. Nhưng các cuộc đảo chính thất bại cũng có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy không kém. Nỗ lực bất thành của một số thành phần trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ gây ra những hệ quả sâu xa cho quan hệ đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như vai trò của nước này trong khu vực. Đặc biệt, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ sẽ hướng tới những biến động đáng kể.
Âm mưu đảo chính đã báo trước một giai đoạn mới không dễ dàng cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Mỹ, bởi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ sự kiện lần này với Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo sống lưu vong tại Philadelphia (Mỹ) từ năm 1999 nhưng có một nhóm người trung thành với ông vẫn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Gulen đã từng bị buộc tội âm mưu thành lập một cấu trúc nhà nước song song trong hệ thống cảnh sát, tòa án và quân đội. Gần đây hơn, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã xếp loại phong trào của Gulen là một tổ chức khủng bố – một tên gọi mang hàm nghĩa mới sau cuộc đảo chính thất bại. Tuy nhiên, bất chấp những bằng chứng ngày càng nhiều liên quan đến Gulen và những người ủng hộ phong trào của ông, ấn tượng của Ankara là cho tới nay, Mỹ đã từ chối kiểm soát các hoạt động của mạng lưới tổ chức này, trong đó bao gồm một loạt các trường học và nhiều tổ chức xã hội dân sự.
Mạng lưới này cho phép phong trào Gulen gây quỹ đáng kể cho các hoạt động mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho là đã giúp duy trì các hoạt động bất chính của các chân rết tổ chức này ở Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, việc ông Gulen tiếp tục sống lưu vong ở Pennsylvania không chỉ trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ song phương mà còn là một nguyên nhân quan trọng khiến chủ nghĩa bài Mỹ dâng cao ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc đảo chính bất thành được cho là đổ thêm dầu cho xu thế này. Trong thời kỳ hậu đảo chính, Mỹ sẽ phải chịu áp lực đáng kể nhằm tái cân nhắc thái độ thoải mái của nước này đối với ông Gulen. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã ra hiệu rằng nước này sẽ đưa ra đề nghị chính thức về việc dẫn độ Gulen.
Vì lẽ đó, cuộc đảo chính đã đem lại một nhu cầu cấp bách để hai đồng minh NATO này phải giải quyết cuộc tranh cãi quan trọng trên. Nếu không tìm được điểm chung trong điều kiện đã thay đổi này sẽ làm suy yếu viễn cảnh hợp tác ở nhiều tầng nấc. Hiệu quả của cuộc chiến chung chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) chắc chắn sẽ bị thách thức do việc này phần lớn dựa vào các cuộc không kích xuất phát từ căn cứ không quân Incirlik ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trên bình diện rộng hơn, sự bất hòa trong mối quan hệ song phương chủ chốt này sẽ làm yếu đi sự gắn kết của NATO trong các chính sách đối với Nga, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang toan tính vượt qua chính sách đối đầu được đưa ra tại hội nghị tương đỉnh gần đây của NATO tại Warsaw, Ba Lan.
Hậu quả của cuộc đảo chính bất thành dường như cũng sẽ tác động tới quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Châu Âu. Hồi tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu đã nhất trí về một gói các biện pháp tham vọng để ngăn chặn dòng người tị nạn vào Châu Âu. Nhưng dù dàn xếp này là một thành công rõ ràng, nó vẫn đang rất mong manh về mặt chính trị. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, phần thưởng lớn nhất chính là cam kết của Liên minh Châu Âu nhằm miễn thị thực cho công dân nước này được tự do đi lại trong khu vực Schengen, một động thái dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 6. Thay vào đó, việc miễn thị thực cho công dân nước này đã bị hoãn lại cho tới tháng 10 do Thổ Nhĩ kỳ từ chối tuân thủ một số điều kiện còn lại.
Cốt lõi trong bế tắc trong ngoại giao này là việc Liên minh Châu Âu yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ sửa đổi luật chống khủng bố của nước này để đảm bảo nó phản ánh gần hơn những quy chuẩn được Tòa án Nhân quyền Châu Âu lập ra. Mục đích của yêu cầu này là để luật này chỉ được áp dụng cho những vụ khủng bố thực sự và ngăn chặn việc sử dụng nó làm công cụ cản trở tự do ngôn luận. Tuy nhiên, bối cảnh sau cuộc đảo chính sẽ khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bớt sẵn lòng hơn trong việc sửa đổi khuôn khổ chống khủng bố của mình.
Kết quả là, một cuộc khủng hoảng ngoại giao nhiều khả năng sẽ xảy ra vào tháng 10, với việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là Liên minh Châu Âu đã không giữ đúng cam kết của mình. Gói thỏa thuận về người tị nạn, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiếp nhận hơn 2,8 triệu người tị nạn Syria, sẽ có thể bị đe dọa, và hậu quả sẽ được đổ lên đầu những người tị nạn.
Cuối cùng, thất bại của cuộc đảo chính sẽ tác động tới khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đóng góp cho an ninh khu vực. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giờ sẽ phải trải qua một giai đoạn khó khăn nhằm thanh lọc các nhân vật ủng hộ phong trào Gulen, và nhuệ khí cùng sự gắn kết trong quân đội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi mà lực lượng vũ trang đang đóng một vai trò chủ chốt trong những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại lực lượng ly khai người Kurd và chủ nghĩa khủng bố của Nhà nước Hồi giáo cũng như việc tăng cường kiểm soát biên giới, điều đã giúp nước này ngăn chặn được các chiến binh thánh chiến nước ngoài tràn vào vùng lãnh thổ Syria đang bị ISIS kiểm soát. Niềm tin suy giảm sau âm mưu đảo chính sẽ khiến cho sự hợp tác liên ngành giữa quân đội, cảnh sát và các cơ quan tình báo đặc biệt gặp khó khăn.
Tương tự như các cuộc đảo chính thành công, các cuộc đảo chính thất bại có thể tạo ra tác động nghiêm trọng lên chính sách đối ngoại và an ninh của các quốc gia. Cuộc đảo chính thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tăng khả năng những bước ngoặt quan trọng trong quan hệ của nước này với Mỹ và Liên minh Châu Âu sẽ sớm diễn ra.
Sinan Ulgen là Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đối ngoại (EDAM) có trụ sở đặt Istanbul, đồng thời là học giả khách mời của Viện Carnegie châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Strategic Consequences of Turkey’s Failed Coup
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]