Quan điểm lịch sử của Putin về Thế chiến II

vladimir-putin-759

Nguồn: Alexander Etkind, “Putin’s History Lessons”, Project Syndicate, 15/09/2009

Biên dịch: Nguyễn Thùy Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ý thức hệ của Liên Xô từng luôn hướng về tương lai. Ngược lại, hệ tư tưởng chính thống của nước Nga ngày nay dường như chỉ tập trung nhìn về quá khứ.

Bài viết gần đây của Thủ tướng Nga Vladimir Putin đăng trên tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan nhằm tưởng niệm 60 năm ngày Phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan đã thể hiện sự quyết tâm của ông nhằm khẳng định vai trò của Nga trong lịch sử châu Âu thế kỷ 20. Bài viết đã phản ánh những vấn đề sâu sắc vẫn còn tồn đọng trong kỷ nguyên của Putin: đó là việc thiếu khả năng phân định giữa quá khứ của Liên Xô với hiện tại của nước Nga; một sự kết hợp bừa bãi giữa chủ nghĩa bảo thủ chính trị và chủ nghĩa xét lại lịch sử; và thái độ thờ ơ, gần như không chịu tiếp thu, đối với các giá trị dân chủ cốt lõi.

Trong bài viết, Putin đã không thể hiện sự tiếc thương cho sự sụp đổ của Liên Xô mặc dù từng gọi đấy là “thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20”. Thực tế, ông thậm chí còn ca ngợi các phong trào dân chủ đã đánh dấu sự tan rã của Liên Xô cũng như chấm dứt phạm vi ảnh hưởng của nó. Đồng thời, ông cũng không biểu lộ bất kì sự đồng cảm nào đối với các cuộc cách mạng đã diễn ra trong thế kỷ 20, mà theo lời ông là những “vết thương lớn” nhân loại đã tự gây ra cho chính mình.

Điều khiến Putin và các cố vấn lịch sử của ông thật sự quan ngại chính là các kí ức về Thế chiến II. Họ coi chiến thắng của Hồng quân trước Đức Quốc xã là thành tựu vẻ vang nhất của nhà nước và quốc gia mà nước Nga hiện tại kế thừa. Đồng thời chiến thắng này cũng cân bằng lại các kí ức về Liên Xô như một chế độ tàn bạo đầy những bạo lực bất công.

Điều đó không có nghĩa các ghi nhận lịch sử dưới thời Putin đều chối bỏ các kí ức này. Bằng chứng là ông đã công khai chỉ đạo Bộ trưởng Giáo dục đưa các trích đoạn trong tác phẩm The Gulag Archipelago [Quần đảo ngục tù] của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn vào chương trình giáo dục phổ thông. Thay vào đó, điều khiến Putin quan tâm chính là sự cân bằng trong việc nói về các thành tựu trong Thế chiến II và thời kỳ chủ nghĩa Stalin trong lịch sử Liên Xô. Ông thừa nhận triều đại khủng bố của Stalin nhưng diễn giải nó như một hệ quả đáp lại nhu cầu cấp thiết phải đánh bại chủ nghĩa Phát xít, qua đó kêu gọi khi nhìn nhận lịch sử cần phải “dựa vào bối cảnh” và “xem xét nguyên nhân”.

Putin tóm lược lại nhận thức của ông về quy mô của cuộc chiến bằng việc nhắc lại việc mất mát “27 triệu sinh mạng đồng bào tôi”. Con số ấy tiếp tục tăng dần theo năm tháng, khi giới chức Liên Xô mở rộng khái niệm thương vong trong chiến tranh thành tổng “thiệt hại dân số” thay vì chỉ tính số thương vong của quân đội. Do đó số lượng người chết trong Thế chiến II đã tăng từ bảy triệu người (con số được công bố dưới thời Stalin) lên thành 20 triệu (dưới thời Khrushchev) và chốt lại ở con số 26,6 triệu (dưới thời Gorbachev). Theo lời Putin, ít nhất hai phần ba trong số đó là dân thường.

Tuy nhiên, Putin không giải thích ai được coi là “đồng bào” của ông. Nếu chỉ là những người cư trú trong phạm vi lãnh thổ nước Nga hiện tại, con số hẳn thấp hơn rất nhiều. Thay vì vậy, ước tính thiệt hại về nhân mạng của ông lại bao gồm toàn bộ cư dân của Liên Xô, gồm hàng triệu người Ukraine, Belarusia, và các nước cộng hòa khác. Và khi Liên Xô sáp nhập các quốc gia vùng Baltic, thành phố Königsberg, một phần lãnh thổ Ba Lan, Phần Lan, Cộng hòa Moldova và Nhật Bản, các công dân của họ cũng được tính thành “đồng bào” Liên Xô.

Hơn nữa, bởi lịch sử “dựa vào bối cảnh” theo ngụ ý của Putin lý giải những gì Liên Xô phải chịu đựng là để chiến đấu cho Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, con số của Putin đã đánh đồng những người dân Liên Xô bị giết hại qua các cuộc tàn sát tập thể, lưu đày, và lao động cưỡng bức với số người tử vong do chiến đấu bảo vệ đất nước. Vậy thì với lô-gic này, ta cũng có thể tái phân loại những nạn nhân của khủng bố, chính sách tập thể hóa, và nạn đói diễn ra trong thập niên 1930 nhằm nâng cao con số thương vong mà Hitler gây ra trên đất Liên Xô.

Putin đã kết nối hai sự kiện được cho là đã châm ngòi cho Thế chiến II là việc kí Hiệp ước Munich năm 1938 và Hiệp ước Molotov – Ribbentrop (Hiệp ước bất tương xâm Xô – Đức) năm 1939 thành một hệ thống nhân quả. Putin thừa nhận cả hai hành động được coi là bắt tay với Đức Quốc xã trên là các sai lầm về mặt đạo đức, nhưng Hiệp ước sau đơn thuần là hệ quả của Hiệp ước trước. Đúng là Thủ tướng Anh Neville Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier đã ký một hiệp ước đáng xấu hổ với Hitler và Mussolini tại Munich. Nhưng khi Hitler vi phạm hiệp ước, cả Chamberlain và Daladier đều mất đi sự ủng hộ của công chúng và cho đến khi Thế chiến II nổ ra, cả hai đều đã mất chức. Tuy nhiên, các nhà độc tài, bao gồm cả Molotov và Stalin, vẫn tại vị.

Hơn nữa, dù Hiệp ước Munich đã tạo điều kiện cho Hitler chia cắt lãnh thổ Tiệp Khắc, đó lại là một tài liệu công khai và nói rõ ý nghĩa của chúng. Phần thực sự quan trọng trong Hiệp ước Molotov-Ribbentrop chính là các Nghị định thư Bí mật đính kèm của nó vốn phân chia lãnh thổ châu Âu ra làm hai khu vực cai trị của Nga và Đức bất chấp việc các quốc gia liên quan không biết hoặc đồng ý với điều đó. Molotov, người vẫn nắm quyền xuyên suốt cuộc chiến cho đến tận năm 1956, đã chối bỏ sự tồn tại của các Nghị định thư bí mật này cho đến tận khi ông ta qua đời 30 năm sau đó. Các nền dân chủ phạm phải những sai lầm đáng hổ thẹn, nhưng cuối cùng họ vẫn tìm cách khắc phục, hay ít nhất xin lỗi về điều đó. Tiếp đó, những người chịu trách nhiệm gây ra rắc rối sẽ bị buộc phải từ bỏ chiếc ghế của mình.

Đánh đồng các thực hành dân chủ với độc tài là một việc làm sai trái, thậm chí vô đạo đức. Nhưng đấy chính là những gì nước Nga mới đang làm.

Alexander Etkind, từng là giảng viên khoa Văn học Nga và Lịch sử Văn hóa tại Đại học King’s College, Cambridge, hiện là giáo sư sử học tại Học viện Đại học châu Âu (EUI) tại Florence.

Xem thêm:

Putin cáo buộc Lenin đặt “bom hẹn giờ” lên Nga

Copyright: Project Syndicate 2009 – Putin’s History Lessons
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]