Nguồn: French crack down on Vietnamese rebels, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1946, vào buổi sáng sau khi lực lượng Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh phát động cuộc nổi dậy vào đêm hôm trước ở Hà Nội, thực dân Pháp đã tiến hành đàn áp Việt Minh. Hồ Chí Minh cùng các binh sĩ của mình nhanh chóng rời khỏi thủ đô và tập hợp lại tại vùng nông thôn. Tối hôm đó, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:
“Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”
Vậy là Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã bắt đầu.
Hồ Chí Minh sinh năm 1890 tại làng Hoàng Trù (Nghệ An). Năm 1911, ông rời quê hương, bắt đầu công việc đầu bếp trên một tàu hơi nước của Pháp. Sau vài năm làm thủy thủ, ông đến sống tại London, rồi sau đó chuyển sang Pháp, nơi ông trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920. Sau đó, ông đến Liên Xô và tập trung nghiên cứu về chiến thuật cách mạng, đồng thời giữ một vai trò tích cực trong Quốc tế Cộng sản. Năm 1924, Hồ Chí Minh đến Trung Quốc và thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1927, sau khi bị trục xuất khỏi Trung Quốc, ông đã đi thêm nhiều nơi trước khi trở về Việt Nam vào năm 1941.
Khi về nước, Hồ Chí Minh thành lập Việt Minh – một tổ chức du kích chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam. Năm 1940, Nhật Bản chiếm đóng các thuộc địa ở Đông Dương của Pháp, và cấu kết với những quan chức Pháp trung thành với chế độ Vichy. Cùng lúc đó, Hồ Chí Minh đã liên lạc với phe Đồng Minh và hỗ trợ các hoạt động chống Nhật ở miền Nam Trung Quốc. Sang đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam và thủ tiêu nhiều quan chức người Pháp.
Vào ngày 02/09/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Hồ Chí Minh cảm thấy thời cơ chín muồi để tuyên bố Việt Nam độc lập, không còn là thuộc địa của Pháp. Sau đó, quân Pháp tái chiếm miền Nam và tiến hành đàm phán với Việt Minh ở miền Bắc. Tháng 11/1946, đàm phán sụp đổ; tàu chiến Pháp bắn phá Hải Phòng, giết chết hàng ngàn người. Để đáp trả, Việt Minh phát động một cuộc tấn công chống lại người Pháp ở Hà Nội vào tháng 12/1946. Quân Pháp đã nhanh chóng đánh trả, khiến Hồ Chí Minh và bộ máy lãnh đạo phải di tản lên miền núi phía Bắc. Việt Minh, lực lượng vẫn chưa bị đánh bại và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân Việt Nam, đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống Pháp.
Xung đột đã kéo dài suốt 8 năm. Phe cộng sản của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc ủng hộ Việt Minh, còn Mỹ thì viện trợ cho lực lượng Pháp và các lực lượng Việt Nam chống cộng khác. Năm 1954, người Pháp đã phải chịu một thất bại lớn ở Điện Biên Phủ, nằm ở phía tây bắc Việt Nam. Sự kiện này thúc đẩy đàm phán hòa bình và dẫn đến việc chia đôi Việt Nam dọc theo vĩ tuyến 17 tại Hội nghị Geneva. Theo đó, Việt Nam bị chia thành hai miền: chính phủ của Hồ Chí Minh cầm quyền ở miền Bắc còn Hoàng đế Bảo Đại kiểm soát miền Nam.
Vào cuối những năm 1950, Hồ Chí Minh đã tổ chức một phong trào cộng sản du kích ở miền Nam, gọi là Việt Cộng. Chính quyền miền Bắc và Việt Cộng đã thành công trong việc chống lại một loạt các chế độ miền Nam do Mỹ hậu thuẫn, và từ năm 1964, họ đã chống lại sự can thiệp quân sự dài cả thập niên của Mỹ, cái mà người Mỹ quen gọi là Chiến tranh Việt Nam, nhưng còn được biết đến với tên gọi Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.
Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 02/09/1969, 25 năm sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, và gần 6 năm trước khi quân đội của ông thành công trong việc thống nhất hai miền dưới chế độ cộng sản. Sài Gòn, thủ đô của miền Nam, đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh sau khi lực lượng cộng sản giành quyền kiểm soát vào năm 1975.