01/08/1944: Khởi nghĩa Warsaw bắt đầu

Nguồn: Warsaw Revolt begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, trong Thế chiến II, một đội quân thiết giáp của Liên Xô, dưới sự chỉ huy của tướng Konstantin Rokossovski, đã tới sông Vistula, dọc theo khu ngoại ô phía đông Warsaw. Điều này khiến cho người Ba Lan trong thành phố cũng bắt đầu một cuộc nổi dậy lớn chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.

Cuộc nổi dậy được lãnh đạo bởi vị tướng người Ba Lan, Tadeusz Bor-Komorowski, chỉ huy trưởng của Quân đội Quốc gia (Home Army) – một nhóm kháng chiến ngầm gồm khoảng 40.000 binh lính được trang bị rất kém. Ngoài việc đẩy nhanh giải phóng Warsaw, Quân đội Quốc gia, có quan hệ với chính phủ Ba Lan lưu vong ở London, đồng thời có tư tưởng chống cộng, còn hy vọng giành quyền kiểm soát ít nhất là một phần của Warsaw trước khi Liên Xô đến.

Mặc dù quân Ba Lan ở Warsaw đã giành được những lợi thế ban đầu – và việc Liên Xô giải phóng thành phố là điều không thể tránh khỏi – lãnh tụ Đức Quốc xã, Adolf Hitler, vẫn yêu cầu cấp dưới của mình phải đàn áp cuộc nổi dậy bằng mọi giá. Cảnh vệ SS-Standartenführer của Đức Quốc xã đã chỉ đạo lực lượng phòng thủ của Đức, trong đó có Lữ đoàn Kaminiski gồm các tù nhân Liên Xô và Lữ đoàn Dirlewanger gồm các tù nhân người Đức. Trong những cuộc đối đầu tàn bạo trên đường phố, người Ba Lan đã dần dần bị áp đảo trước vũ khí tối tân của Đức. Khi quân nổi dậy bị trấn áp, Đức Quốc xã đã cố tình phá huỷ phần lớn thành phố và tàn sát nhiều thường dân.

Trong khi đó, một số lính Hồng Quân đã vượt qua sông Vistula, nhưng họ lại không nỗ lực giúp đỡ những người nổi dậy ở Warsaw. Liên Xô cũng từ chối một yêu cầu của người Anh, xin sử dụng căn cứ không quân của Liên Xô để viện trợ hàng không cho những người Ba Lan bị bao vây. Quân nổi dậy và thường dân trong thành phố đã cạn kiệt nguồn cung cấp về y tế, thực phẩm, và cuối cùng là nước. Cuối cùng, vào ngày 02/10, những người nổi dậy còn sống sót, kể cả Bor-Komorowski, đã phải đầu hàng.

Trong suốt quãng thời gian 63 ngày, 3/4 Quân đội Quốc gia đã thiệt mạng cùng với 200.000 thường dân. Như một minh chứng cho sự tàn bạo của cuộc chiến, người Đức cũng bị thương vong nặng nề: 10.000 người chết, 9.000 người bị thương, và 7.000 người mất tích. Trong vài tháng tiếp theo, quân Đức đã trục xuất những người sống sót, và cho các đội phá dỡ phá hủy các tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn ở Warsaw. Tất cả các kho báu lớn của thành phố đều bị cướp phá hoặc bị đốt cháy. Hồng Quân vẫn còn ngủ yên ở bên ngoài Warsaw cho đến tháng 01/1945, khi cuộc tấn công cuối cùng của Liên Xô chống lại Đức bắt đầu. Warsaw, một thành phố đã bị tàn phá, được giải phóng vào ngày 17/01. Khi Warsaw đã bị tổn thất nặng nề, Liên Xô gặp phải rất ít sự chống đối trong việc thành lập một chính phủ cộng sản tại Ba Lan.

02/10/1944: Khởi nghĩa Warsaw kết thúc

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]