18/12/1941: Nhật xâm chiếm Hồng Kông

Nguồn: Japan invades Hong Kong, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, quân Nhật đã đổ bộ vào Hồng Kông và tiến hành một cuộc thảm sát. Một cuộc không kích Hồng Kông, thuộc địa của Anh, đã diễn ra suốt một tuần từ ngày 17/12. Cùng lúc các sứ giả Nhật đã đến gặp Sir Mark Young, Thống đốc người Anh tại Hồng Kông. Thông điệp của các sứ giả rất đơn giản: Quân Anh chỉ đơn giản là phải đầu hàng – mọi phản kháng đều vô ích. Các sứ giả này đã bị đuổi về cùng lời phản đối: “Thống đốc và Tổng Tư lệnh Hồng Kông tuyệt đối từ chối tham gia đàm phán việc Hồng Kông đầu hàng …”

Làn sóng đầu tiên của quân Nhật đổ bộ vào Hồng Kông với sự hỗ trợ của pháo binh và mệnh lệnh từ người chỉ huy của họ: “Đừng bắt giữ tù binh.” Sau khi đè bẹp một đơn vị phòng không của lính tình nguyện, quân Nhật đã tập trung những người bị bắt và dùng lưỡi lê tàn sát họ. Ngay cả những nhóm không kháng cự, chẳng hạn như Quân đoàn Quân y Hoàng gia, cũng bị dẫn lên một ngọn đồi và giết chết.

Người Nhật nhanh chóng kiểm soát các hồ chứa nước quan trọng, đe dọa người Anh và người Trung Quốc đang sinh sống tại khu vực bằng cái chết chậm rãi vì thiếu nước. Người Anh cuối cùng đã đầu hàng và trao lại quyền kiểm soát Hồng Kông vào ngày Giáng sinh.

Cũng trong ngày này, Đạo luật về Thẩm quyền Chiến tranh (War Power Act) đã được Quốc hội Mỹ thông qua, cho phép tổng thống Franklin D. Roosevelt (FDR) khởi xướng và chấm dứt các cam kết quốc phòng, tái cấu trúc các cơ quan chính phủ cho các ưu tiên thời chiến và điều chỉnh tình trạng đóng băng tài sản của nước ngoài. Nó cũng cho phép Tổng thống kiểm duyệt tất cả các thông tin liên lạc đến và đi khỏi đất nước.

FDR bổ nhiệm giám đốc điều hành của hãng thông tấn AP (Associated Press), Byron Price, làm giám đốc kiểm duyệt. Mặc dù được trao quyền hạn chế và kiểm soát tin tức, Price đã không dùng biện pháp cực đoan nào, cho phép các báo và đài phát thanh tự kiểm duyệt, và họ đã tự làm điều đó. Hầu hết các thông tin tối mật, bao gồm việc chế tạo bom nguyên tử, vẫn không bị lộ.

Hành động kiểm duyệt gắt gao nhất dường như là việc hạn chế các tạp chí “khiêu dâm” cho binh lính – kể cả Esquire, vốn bị tờ Post Office coi là tục tĩu vì những bức biếm hoạ trơ trẽn và những tấm hình của các biểu tượng sex. Esquire đã kiện Post Office ra tòa, và sau ba năm Tòa án tối cao cuối cùng đã đứng về phía họ.