23/02/1945: Cờ Mỹ được dựng lên tại Iwo Jima

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. flag raised on Iwo Jima, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1945, trong trận chiến đẫm máu ở Iwo Jima, Thủy quân lục chiến Mỹ thuộc Trung đội 3, Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28, Sư đoàn 5 đã chiếm được đỉnh núi Suribachi, điểm cao nhất đồng thời là vị trí chiến lược nhất của hòn đảo, và đã dựng lên lá cờ Mỹ. Nhiếp ảnh gia hải quân Louis Lowery đã ghi lại hình ảnh lịch sử này.

Những người lính Mỹ tham gia chiến đấu giành quyền kiểm soát sườn núi Suribachi đã reo hò khi lá cờ được giương lên, và vài giờ sau, nhiều lính thủy đã tiến đến với một lá cờ lớn hơn. Joe Rosenthal, nhiếp ảnh gia của Associated Press, đã gặp họ trên đường đi và chụp lại hình ảnh lá cờ thứ hai cùng với một nhiếp ảnh gia và một thợ quay phim của thủy quân lục chiến.

Rosenthal đã chụp ba bức ảnh tại Suribachi. Bức đầu tiên, ảnh năm người lính thủy và một sĩ quan hải quân vật lộn để dựng một cột cờ nặng, đã trở thành bức ảnh được tái bản nhiều nhất trong lịch sử và đã giành được giải thưởng Pulitzer. Đoạn phim đi kèm theo đã chứng minh bức ảnh này không phải là cảnh được dàn dựng. Trong số hai bức ảnh còn lại, bức ảnh thứ hai cũng tương tự như bức ảnh đầu tiên nhưng có ít ảnh hưởng hơn, còn bức ảnh thứ ba chụp lại cảnh 18 người lính cười và vẫy tay chào máy ảnh. Nhiều người trong số này, bao gồm ba trong số sáu người lính tham gia dựng cờ trong bức ảnh nổi tiếng của Rosenthal, đã tử trận trước khi Trận Iwo Jima kết thúc vào cuối tháng 3.

Đầu năm 1945, chỉ huy trưởng của quân đội Mỹ đã mong muốn giành quyền kiểm soát hòn đảo Iwo Jima để chuẩn bị cho chiến dịch không kích nhắm vào các đảo chính của Nhật. Iwo Jima, một hòn đảo núi lửa nhỏ xíu nằm ở Thái Bình Dương khoảng 700 dặm về phía đông nam của Nhật Bản, đã trở thành một căn cứ cho máy bay chiến đấu và một địa điểm hạ cánh khẩn cấp cho máy bay ném bom. Ngày 19/02/1945, sau ba ngày tấn công mạnh mẽ bằng đường biển và đường hàng không, các lính Thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đã đổ bộ vào bờ biển Iwo Jima với địa hình cực kỳ khắc nghiệt.

Đội quân của Nhật trên hòn đảo này được ghi nhận là gồm 22.000 người. Chỉ huy của họ, Tướng Tadamichi Kuribayashi, đã đoán biết được một cuộc xâm lược của quân đồng minh trước nhiều tháng và đã sử dụng thời gian một cách khôn ngoan để xây dựng một hệ thống đường hầm, pháo đài và pháo binh phức tạp vốn có hiệu quả khi chống lại đợt bắn phá đầu tiên của quân Đồng minh. Tính đến tối ngày đầu tiên, mặc dù bị súng cối bắn liên tục, 30.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ dưới quyền chỉ huy của Tướng Holland Smith đã thiết lập được một phòng tuyến vững chắc trên bờ biển.

Trong vài ngày tiếp theo, Thủy quân lục chiến Mỹ đã tiến dần từng bước dưới làn đạn của pháo binh Nhật, đồng thời hứng chịu hậu quả từ các vụ tự sát của bộ binh Nhật Bản. Rất nhiều lính phòng vệ Nhật Bản đã bắn pháo từ dưới mặt đất cho đến khi họ bị xé xác bởi lựu đạn hoặc tên lửa, hoặc bị đốt cháy bởi súng phun lửa.

Trong khi các máy bay “thần phong” (kamikaze) của Nhật tấn công cảm tử vào đội tàu hải quân của phe Đồng minh ở khu vực xung quanh Iwo Jima, lính thủy Mỹ tiếp tục đợt tiến quân công đẫm máu trên đảo, chống trả lực lượng phòng thủ của Kuribayashi với sức chịu đựng đáng kể. Ngày 23/02, đỉnh Suribachi cao 550 feet đã bị chiếm, và vào ngày hôm sau, các sườn của ngọn núi cũng được khuất phục.

Ngày 03/03, lực lượng Mỹ kiểm soát cả ba sân bay trên đảo, và ngày 26/03, những người lính Nhật cuối cùng trên đảo Iwo Jima cũng bị xóa sổ. Chỉ có 200 trong số 22.000 vệ binh Nhật Bản ban đầu đã bị bắt sống. Hơn 6.000 người Mỹ đã chết trong đợt tấn công Iwo Jima, khoảng 17.000 người khác bị thương.