Nguồn: Support is pledged to civilian government, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1965, dưới áp lực của các quan chức Mỹ, Tướng Nguyễn Khánh và các tướng lĩnh thuộc Hội đồng Quân lực mới thành lập – những người tham gia vào cuộc đảo chính không đổ máu vào ngày 19/12/1964 – đã đồng ý ủng hộ chính phủ dân sự của Thủ tướng Trần Văn Hương.
Cuộc đảo chính diễn ra khi Khánh và một nhóm các tướng lĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đại tá Không Quân Nguyễn Cao Kỳ và Thiếu tướng Lục Quân Nguyễn Văn Thiệu, đã bắt hơn ba mươi viên chức cao cấp và quan chức dân sự, giành quyền kiểm soát chính phủ. Cuộc đảo chính là một phần trong tình trạng bất ổn chính trị liên tục diễn ra sau cuộc đảo chính tháng 11/1963 vốn dẫn đến việc ám sát Ngô Đình Diệm. Giai đoạn sau khi lật đổ Diệm được đánh dấu bằng một loạt các cuộc đảo chính và các chính phủ “cửa xoay”.
Ngoài cam kết hỗ trợ chính quyền của ông Hương, Khánh và các tướng lĩnh khác đã đồng ý thả năm thành viên cấp cao của Thượng Hội đồng Quốc gia và 50 người khác bị bắt trong cuộc đảo chính. Họ cũng hứa sẽ chỉ thực hiện các hoạt động của họ trong lĩnh vực quân sự. Một quốc ước được triệu tập để “nắm quyền lập pháp” và xây dựng một hiến pháp vĩnh viễn. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Trần Văn Hương không thể thành lập một chính phủ có năng lực. Hội đồng Quân lực đã lật đổ ông vào ngày 27/01 và đưa Khánh lên nắm quyền. Đến lượt mình, Khánh tiếp tục bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính vào ngày 18/02 do Kỳ và Thiệu dẫn dầu. Khánh sau đó chuyển đến Mỹ và định cư tại Palm Beach, Florida.
Một chính phủ dân sự ngắn ngủi dưới thời Tiến sĩ Phan Huy Quát đã được thành lập, nhưng cũng chỉ tồn tại đến ngày 12/06/1965. Vào thời điểm đó, Thiệu và Kỳ đã thành lập một chính phủ mới với Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và Kỳ làm Thủ tướng. Sau này, Thiệu và Kỳ được bầu làm Tổng thống và Phó Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào năm 1967. Họ phục vụ cùng nhau cho đến năm 1971, khi Thiệu tái đắc cử.