11/03/1941: Roosevelt ký duyệt Chương trình Lend-Lease

Nguồn: FDR signs Lend-Lease, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký phê duyệt Chương trình Lend-Lease, một chương trình nhằm hỗ trợ về ngân sách và vật tư cho các đồng minh trong chiến tranh.

Chương trình Lend-Lease được Roosevelt đưa ra như là một phương tiện để giúp đỡ nước Anh trong nỗ lực chiến tranh chống lại người Đức, bằng cách trao cho Tổng thống quyền “bán, nhượng quyền sở hữu, trao đổi, cho thuê, cho mượn, hoặc loại bỏ” bất kỳ tài nguyên quân sự nào mà ông cho là vì lợi ích nhằm bảo vệ đất nước.

Cơ sở lý luận đằng sau chương trình này là nếu một nước láng giềng thành công trong việc bảo vệ mình, thì an ninh quốc gia của bạn sẽ được tăng cường. Lend-Lease cũng giúp củng cố tinh thần của người Anh khi đem lại cảm giác rằng họ không còn đơn độc trong cuộc chiến chống lại Hitler.

Chương trình Lend-Lease đã được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 11/03/1941. Sang tháng 11, sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, Quốc Hội đã mở rộng các điều khoản của Lend-Lease cho Liên Xô, mặc dù nước này đang được nhận vũ khí từ quân đội Mỹ, cùng với lời hứa hỗ trợ tài chính trị giá 1 tỷ USD. Tới thời điểm cuối cuộc chiến, các nguồn ngân quỹ, vũ khí, máy bay và tàu với tổng trị giá hơn 50 tỷ USD đã được viện trợ cho 44 quốc gia. Sau chiến tranh, Chương trình Lend-Lease đã được chuyển thành Kế hoạch Marshall, nhằm cung cấp kinh phí cho việc khôi phục các quốc gia “thân thiện” với dân chủ – ngay cả khi họ là những cựu thù.