16/06/1940: Thống chế Petain trở thành Thủ tướng Pháp

Nguồn: Marshal Petain becomes premier of occupied France, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1940, Thống chế Henri-Philippe Petain, anh hùng Thế chiến I, đã trở thành Thủ tướng của chính phủ Vichy, Pháp.

Khi người Đức ngày càng chiếm được nhiều lãnh thổ Pháp hơn, Nội các Pháp ngày càng tuyệt vọng mong chờ giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Thủ tướng Paul Reynaud vẫn lạc quan hy vọng, từ chối yêu cầu đình chiến, đặc biệt là khi nước Pháp đã nhận được sự bảo đảm từ Anh rằng cả hai sẽ cùng chiến đấu, và người Anh vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu với Đức ngay cả khi Pháp đã hoàn toàn bị đánh bại. Nhưng những thành viên khác trong chính quyền đã quá chán nản và chỉ muốn có hòa bình. Reynaud từ chức để phản đối. Phó Thủ tướng của ông, Henri Petain, đã thành lập một chính phủ mới và yêu cầu đình chiến – thực ra là đầu hàng – người Đức.

Mỉa mai thay cho Petain. Người đàn ông đã trở thành anh hùng huyền thoại khi đẩy lùi thành công cuộc tấn công của Đức vào thành phố Verdun, Pháp trong Thế chiến I nay lại đầu hàng trước Hitler.

Tại thành phố Vichy, Thượng viện và Hạ viện Pháp đã trao cho vị nguyên soái 84 tuổi danh hiệu “Quốc trưởng” (Chief of State), khiến ông thực sự trở thành một nhà độc tài – dù rằng vẫn bị Berlin kiểm soát. Petain tin rằng mình có thể thương lượng được một thỏa thuận tốt hơn cho đất nước- chẳng hạn như việc thuyết phục được Đức thả các tù binh chiến tranh – bằng cách hợp tác, hoặc như vài người sẽ nói là xoa dịu người Đức.

Nhưng Petain đã tỏ ra thông minh nửa vời. Trong khi ông chống lại sự hợp tác quân sự Pháp-Đức, và sa thải phó thủ tướng Pierre Laval vì đã ủng hộ sự hợp tác này, đồng thời bí mật thúc giục nhà độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco từ chối cho phép quân Đức băng qua nước họ để tới Bắc Phi, thì nỗ lực của ông nhằm làm suy yếu phe Trục cũng như duy trì vị trí trung lập chính thức đã không qua khỏi mắt Hitler, người đã ra lệnh phục chức cho Laval. Petain chấp nhận yêu cầu đó, nhưng từ chối từ chức để phản đối vì sợ những gì nước Pháp sẽ phải hứng chịu dưới sự cai trị trực tiếp của người Đức nếu ông không đứng ra làm lá chắn. Nhưng ông đã nhanh chóng trở thành bù nhìn, bất chấp những nỗ lực gây tác động đến các sự kiện “hậu trường” vốn sẽ thúc đẩy Lực lượng Nước Pháp Tự do (dù sau đó ông công khai phủ nhận, thậm chí lên án, những sự kiện này khi chúng bị phát hiện).

Khi Paris cuối cùng cũng được tướng Charles de Gaulle giải phóng vào năm 1944, Petain đã trốn sang Đức. Ông đã được dẫn giải về sau khi chiến tranh kết thúc để hầu tòa vì hành động hai mặt. Ông bị kết án tử hình, sau đó được giảm thành án chung thân trong phòng biệt giam. Ông qua đời ở tuổi 95 trong tù. Người đàn ông đã giúp cứu mạng Petain là de Gaulle. Hai người đã chiến đấu trong cùng một đơn vị trong Thế chiến I và de Gaulle đã không quên sự dũng cảm của Petain trong cuộc chiến ấy.