22/09/1914: Tàu ngầm U-boat đánh bại hạm đội Anh

Nguồn: German U-boat devastates British squadron, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1914, tại Biển Bắc, tàu ngầm Đức U-9 đã đánh chìm ba tàu tuần dương Anh, Aboukir, Hogue Cressy, chỉ trong vòng hơn một giờ.

Việc nhanh chóng thành lập Hải quân Đức suốt những năm trước Thê Chiến I do Bộ trưởng Hải quân Alfred von Tirpitz đứng sau điều hành chắc chắn đã góp phần gây nên sự lo lắng và thù địch của Anh đối với Đức. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu tiên của chiến tranh, Hạm đội Đại dương của Đức (German High Seas Fleet) rất hiếm khi di chuyển khỏi trụ sở chính tại Wilhelmshaven. Trận hải chiến tại Vịnh Heligoland vào cuối tháng 8, kết thúc với một chiến thắng thuyết phục của Anh, đã khiến ba thiết giáp hạm Đức bị đánh chìm, ba chiếc khác bị hư hại và 1.200 thủy thủ Đức thiệt mạng hoặc bị thương.

Sau sự kiện Vịnh Heligoland, Hoàng đế Wilhelm và các nhà lãnh đạo Đức đã kết luận rằng Hải quân không nên chiến đấu ở các vùng biển mở, vì tác dụng tốt nhất của nó là phòng thủ. Khi chiến tranh tiếp tục, vũ khí trên biển vĩ đại nhất của Đức sẽ không phải là tàu tuần dương hạng nhẹ mà là tàu ngầm U-boat nguy hiểm, phức tạp hơn nhiều so với tàu ngầm do các quốc gia khác chế tạo vào thời điểm đó. Chiếc U-boat điển hình dài 65,2m, mang theo 35 lính, cùng với 12 ngư lôi và có thể lặn xuống dưới mặt nước tới hai giờ mỗi lần.

Trận đánh áp đảo vào ngày 22/09, gây thiệt hại ba tàu tuần dương Anh và làm thiệt mạng 1.400 thủy thủ, đã cảnh báo người Anh về sự nguy hiểm chết người của tàu ngầm, vốn thường không được công nhận cho đến thời điểm đó. Trong vài năm đầu tiên của Thế chiến I, các tàu U-boat của Đức đã gây ra thiệt hại khủng khiếp cho vận tải đường biển của Đồng Minh.

Tuy nhiên, đến năm 1917, việc tấn công không hạn chế của U-boat lên các tàu Mỹ đi đến Anh đã khiến nước Mỹ trung lập trước đó tuyên chiến với Đức. Việc tàu chiến, quân đội và vũ khí của Mỹ tham gia vào Thế chiến I, cũng như sự hỗ trợ kinh tế mà nước này cung cấp cho các cường quốc Đồng minh, cuối cùng đã xoay chuyển tình hình chống lại Đức.