Nguồn: Diem institutes limited agrarian reforms, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1955, sau nhiều tháng bị các cố vấn Hoa Kỳ thúc giục, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã giới thiệu biện pháp đầu tiên trong loạt các biện pháp cải cách nông nghiệp của mình – một nghị định điều chỉnh mức địa tô nông nghiệp.
Các quan chức Mỹ ban đầu đã mạnh mẽ thúc giục Diệm thực hiện cải cách để giành được sự ủng hộ của toàn dân, nhưng sau đó lại phê phán rằng chương trình cải cách ruộng đất của ông bắt đầu quá muộn, tiến triển quá chậm và chưa bao giờ đạt được mục tiêu cần thiết. Những gì nông dân miền Nam Việt Nam mong muốn là tái phân phối đất từ tay địa chủ về cho những người nông dân thực sự làm ruộng, nhưng chương trình trả lại đất canh tác của Diệm chỉ được thực hiện một cách nửa vời và không đáp ứng được nhu cầu ruộng đất ngày càng tăng của nông dân miền Nam.
Điều khoản buộc nông dân được cấp đất phải đóng tiền thuê đất đã tạo ra những trở ngại không đáng có. Mặc dù 1 triệu nông dân đã nhận được một số hỗ trợ, hơn 1 triệu người vẫn không nhận được đất, và việc thiếu các cơ quan thi hành công vụ khách quan công bằng đã đánh mất nhiều lợi ích tiềm năng.
Thay vì giao lại đất cho người nghèo, chương trình cải cách ruộng đất của Diệm lấy lại những phần đất Việt Minh đã trao cho nông dân và đem trả cho địa chủ, buộc nông dân phải trả tiền tô cho những mảnh đất mà họ cho là của mình theo những điều khoản vô lý. Năm 1960, 75% đất đai thuộc sở hữu của 15% dân số. Cộng sản đã tận dụng tình trạng bất ổn chưa được giải quyết của nông dân trong suốt chế độ của Ngô Đình Diệm. Sự bất mãn đối với Diệm lên đến đỉnh điểm khi các sĩ quan miền Nam bất đồng chính kiến sát hại ông trong một cuộc đảo chính vào tháng 11/1963.