Nguồn: Chunnel makes breakthrough, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1990, tầm 11 giờ sáng, ở độ sâu khoảng 132 feet (40,2m) dưới Eo biển Manche, các công nhân đã khoan một chiếc lỗ với kích thước của một chiếc xe hơi thông qua bức tường đá. Đây không phải là một chiếc lỗ thông thường mà là điểm kết nối hai đầu của một đường hầm dưới nước nối liền Vương quốc Anh với châu Âu lục địa lần đầu tiên sau hơn 8.000 năm.
Đường hầm Eo biển Manche – còn gọi là Chunnel (ghép giữa channel/con kênh và tunnel/đường hầm) – không phải là một ý tưởng mới. Thực ra, Napoléon Bonaparte đã từng nhận được bản đề xuất từ đầu năm 1802. Nhưng mãi đến cuối thế kỷ 20, công nghệ cần thiết để xây dựng đường hầm mới được phát triển. Năm 1986, Anh và Pháp đã ký hiệp ước cho phép xây dựng một đường hầm chạy giữa Folkestone, Anh và Calais, Pháp.
Trong bốn năm tiếp theo, gần 13.000 công nhân đã tham gia đào 95 dặm đường hầm ở độ sâu trung bình là 150 feet (45 mét) dưới mực nước biển. Tám triệu mét khối đất đá đã được di dời, với tốc độ 2.400 tấn/giờ. Chunnel khi hoàn thành sẽ có ba đường hầm được kết nối với nhau, mỗi hầm gồm một đường sắt hướng về một hướng, kèm theo một đường hầm dịch vụ. Chi phí? Đó là một con số khổng lồ, 15 tỷ đô la.
Sau khi các công nhân khoan chiếc lỗ cuối cùng vào ngày 01/12/1990, họ đã cùng nhau trao đổi cờ Pháp và Anh, rồi nâng rượu sâm banh để chúc mừng. Dù vậy, công trình vẫn cần thêm 4 năm xây dựng và Chunnel cuối cùng đã mở cửa phục vụ hành khách vào ngày 06/05/1994, trong một buổi lễ do Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Francois Mitterand chủ trì tại Calais. Công ty Eurotunnel đã giành được quyền vận hành Chunnel trong vòng 55 năm, nơi được xem là điểm đường quan trọng của tuyến đường sắt cao tốc Eurostar nối London và Paris. Chuyến tàu thường xuyên qua hầm sẽ chạy tổng cộng 31 dặm – trong đó 23 dặm là dưới nước – mất khoảng 20 phút, và thêm 15 phút để tàu quay đầu. Chunnel là đường hầm đường sắt dài thứ hai trên thế giới, sau Đường hầm Seikan ở Nhật Bản.