Marie Curie: Nhà khoa học giành hai giải Nobel

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Marie Curie (1867 – 1934) là một nhà vật lý và nhà hóa học gốc Ba Lan, đồng thời là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Cùng với chồng là Pierre, bà được trao giải Nobel năm 1903 và tiếp tục nhận được một giải Nobel khác vào năm 1911.

Marie Sklodowska sinh ngày 07/11/1867 tại Warsaw và là con của một giáo viên. Năm 1891, bà tới Paris để học toán và vật lý tại Đại học Sorbonne, nơi bà gặp Pierre Curie – giáo sư của Khoa Vật lý. Họ kết hôn vào năm 1895 và cùng nghiên cứu về phóng xạ, vốn dựa trên thành quả của nhà vật lý người Đức Roentgen và nhà vật lý người Pháp Becquerel.

Tháng 07/1898, vợ chồng nhà Curie công bố phát hiện về một nguyên tố hóa học mới là polonium và phát hiện thêm một nguyên tố nữa là radium vào cuối năm này. Năm 1903, Marie Curie, Pierre Curie và Becquerel đã được trao giải Nobel Vật lý.

Năm 1906, Pierre đột ngột qua đời do tai nạn giao thông vì va chạm với một xe ngựa. Marie đã tiếp quản việc giảng dạy của chồng, trở thành người phụ nữ đầu tiên giảng dạy tại Sorbonne và cống hiến hết mình để tiếp tục công việc mà họ đã cùng nhau bắt đầu. Bà nhận giải Nobel lần thứ hai về Hóa học vào năm 1911.

Nghiên cứu của Marie Curie rất quan trọng trong việc phát triển tia X trong phẫu thuật. Trong Thế chiến I, bà đã giúp trang bị cho các xe cứu thương thiết bị X quang và thậm chí còn tự lái chúng ra tiền tuyến. Được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế bổ nhiệm làm giám đốc dịch vụ X-quang, Marie đã tổ chức các khóa đào tạo cho các chuyên gia y tế và bác sĩ về những kỹ thuật mới.

Dù thành công, song Marie tiếp tục gặp phải sự phản đối từ các nhà khoa học nam ở Pháp và bà không bao giờ nhận được lợi ích tài chính đáng kể từ thành quả của mình. Tới cuối những năm 1920, sức khỏe của bà bắt đầu xấu đi. Ngày 04/07/1934, Marie Curie qua đời vì bệnh bạch cầu do thường xuyên tiếp xúc với bức xạ năng lượng cao trong lúc nghiên cứu. Sau này, con gái đầu của bà là Irene cũng trở thành một nhà khoa học và được nhận một giải Nobel về Hóa học.

Những phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel là ai?