11/05/1987: ‘Đồ tể Lyon’ ra tòa vì tội ác chiến tranh sau 40 năm lẩn trốn

Nguồn: “Butcher of Lyon,” former Nazi Gestapo chief, charged with war crimes, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1987, Klaus Barbie – người đứng đầu đơn vị Cảnh sát Mật của Đức Quốc Xã, Gestapo, tại Lyon, Pháp – đã bị đưa ra xét xử ở Lyon, hơn bốn thập niên sau khi Thế chiến II kết thúc. Ông ta phải đối mặt với bản cáo trạng gồm 177 tội ác chống lại loài người.

Với tư cách là lãnh đạo của Gestapo ở Lyon, Barbie đã ra lệnh đưa 7.500 người Pháp gốc Do Thái hoặc các thành viên lực lượng Kháng chiến Pháp đến trại tập trung, đồng thời cho hành quyết khoảng 4.000 người khác. Ngoài ra, ông ta còn đích thân tra tấn và hành quyết nhiều tù nhân. Năm 1943, ông ta bắt được Jean Moulin, thủ lĩnh của Kháng chiến Pháp, và đã chỉ thị đánh cho Moulin chết từ từ. Năm 1944, ông ta tiến hành vây bắt 44 đứa trẻ người Do Thái và 7 giáo viên khi họ trốn trong một ngôi trường nội trú ở Izieu và đưa toàn bộ nhóm này đến trại tử thần Auschwitz. Trong số 51 người bị bắt hôm ấy, chỉ có duy nhất một giáo viên sống sót. Tháng 08/1944, khi quân Đức chuẩn bị rút khỏi Lyon, Barbie cho tổ chức một chuyến tàu cuối cùng đưa hàng trăm người đến trại tử thần.

Sau đó, Barbie quay trở lại Đức, và khi chiến tranh kết thúc, ông ta tìm cách xóa bỏ hình xăm nhận dạng SS của mình và sử dụng một danh tính mới. Cùng với các cựu sĩ quan SS khác, ông ta tham gia hoạt động chống cộng ngầm; sang tháng 06/1947, Barbie đã tự nộp mình cho Lực lượng Phản gián Mỹ (Counter-Intelligence Corps, CIC) sau khi người Mỹ hứa chu cấp tiền và bảo vệ ông ta để đổi lấy thông tin tình báo. Barbie đã làm việc với tư cách là đặc vụ của Mỹ ở Đức trong hai năm, và người Mỹ đã giúp ông ta thoát khỏi các công tố viên Pháp đang cố gắng truy lùng ông. Năm 1949, Barbie và gia đình được phía Mỹ đưa về Nam Mỹ.

Lấy tên là Klaus Altmann, Barbie định cư ở Bolivia và tiếp tục làm công việc đặc vụ tình báo. Ông trở thành một doanh nhân thành đạt và thường xuyên cố vấn cho các chế độ quân sự của Bolivia. Năm 1971, nhà độc tài Hugo Banzer Suarez lên nắm quyền, và Barbie đã giúp ông ta thiết lập các trại giam tàn bạo để giam giữ nhiều đối thủ chính trị. Trong 32 năm sống ở Bolivia, Barbie cũng từng là sĩ quan trong lực lượng cảnh sát mật Bolivia, tham gia vào các âm mưu buôn bán ma túy và thành lập đội quân cảm tử cực hữu. Ông ta thường xuyên đến châu Âu, và thậm chí đến Pháp, nơi ông đã bị xét xử vắng mặt vào năm 1952 và 1954 vì tội ác chiến tranh và bị kết án tử hình.

Năm 1972, hai người chuyên săn tìm thành viên Đức Quốc Xã là Serge Klarsfeld và Beatte Kunzel đã phát hiện ra nơi ở của Barbie ở Bolivia, nhưng Banzer Suarez từ chối dẫn độ ông về Pháp. Vào đầu những năm 1980, một chế độ tự do lên nắm quyền ở Bolivia và đã đồng ý dẫn độ Barbie để đổi lấy viện trợ từ Pháp. Ngày 19/01/1983, Barbie bị bắt, và ngày 07/02 được đưa về Pháp. Thời hiệu của bản án vắng mặt đã hết từ những năm 1950, do đó ông ta phải bị đưa ra tòa để xét xử lại. Chính phủ Mỹ đã chính thức xin lỗi Pháp vì hành vi của mình trong vụ Barbie vào cuối năm đó.

Tranh cãi pháp lý, đặc biệt là giữa các nhóm đại diện cho nạn nhân của Barbie, đã khiến phiên tòa của ông ta bị trì hoãn suốt bốn năm. Cuối cùng, vào ngày 11/05/1987, “Đồ tể Lyon” – tên gọi của ông ta tại Pháp, cũng đã ra tòa vì tội ác chống lại loài người. Trong một phiên tòa gần như không thể tưởng tượng được bốn thập niên sau, Barbie đã được bào chữa bởi ba luật sư từ nhóm thiểu số – một người châu Á, một người châu Phi và một người Ả Rập – những người đã lập luận đầy kịch tính rằng người Pháp và người Do Thái cũng phạm tội ác chống lại loài người như Barbie hay bất kỳ gã phát xít nào. Dường như, các luật sư của Barbie có ý định đưa Pháp và Israel ra xét xử hơn là chứng minh thân chủ của họ vô tội, và vào ngày 04/07/1987, ông ta đã bị tuyên có tội. Barbie, lúc đó 73 tuổi, đã bị kết án ngồi tù đến hết phần đời còn lại của mình, hình phạt cao nhất của Pháp. Ông ta chết vì bệnh ung thư trong bệnh viện của nhà tù vào năm 1991.