Nguồn: Voice of America begins broadcasts to Russia, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1947, với câu nói “Xin chào! Đây là New York đang gọi” (Hello! This is New York calling), Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America, VOA) đã chính thức bắt đầu các buổi phát thanh đầu tiên tới Liên Xô. Nỗ lực của VOA là một phần quan trọng trong chiến dịch tuyên truyền của Mỹ nhằm chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
VOA bắt đầu hoạt động kể từ năm 1942 với tư cách là một chương trình phát thanh được thiết kế để giải thích các chính sách của Mỹ trong Thế chiến II, và nâng cao tinh thần của các đồng minh trên khắp châu Âu, châu Á, Trung Đông, và châu Phi. Sau chiến tranh, VOA tiếp tục là một phần trong kho vũ khí tuyên truyền Chiến tranh Lạnh của Mỹ và chủ yếu hướng đến khán giả Tây Âu.
Tháng 02/1947, các buổi phát sóng bằng tiếng Nga đầu tiên của VOA đã bắt đầu phát vào Liên Xô. Buổi phát thanh đầu tiên giải thích rằng VOA sẽ “mang đến cho thính giả ở Liên Xô một bức tranh về cuộc sống ở Mỹ.” Các câu chuyện tin tức, các chủ đề được mọi người quan tâm và âm nhạc chiếm phần lớn thời lượng chương trình. Mục đích là để cung cấp cho khán giả Liên Xô “sự thật đơn thuần, không chỉnh sửa” về cuộc sống bên ngoài Liên Xô. VOA hy vọng rằng điều này sẽ “mở rộng cơ sở hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân Liên Xô và Mỹ.”
Nhìn chung, buổi phát sóng đầu tiên khá khô khan. Phần lớn nội dung là bản tin vắn tắt về các sự kiện thời sự, thảo luận về cách thức vận hành của ngân sách và hệ thống chính trị Mỹ, và một phân tích sôi nổi về một “chất hóa học tổng hợp mới được gọi là pyribenzamine”. Âm nhạc trong chương trình rất đa dạng, từ Turkey in the Straw đến Night and Day của Cole Porter. Ngoài ra, do thời tiết xấu và những khó khăn về kỹ thuật, chất lượng âm thanh nhìn chung rất kém. Theo các quan chức Mỹ tại Liên Xô, người dân nước này đánh giá chương trình chỉ “tàm tạm.”
Các chương trình phát sóng của VOA ở Liên Xô đã cải thiện phần nào trong những năm tiếp theo, chủ yếu là do âm nhạc ngày càng đóng một vai trò quan trọng. Các nhà quan sát Mỹ đã sớm nhận thấy rằng đam mê của người dân Liên Xô đối với âm nhạc Mỹ, đặc biệt là nhạc jazz, là gần như không có giới hạn. Không rõ có bao nhiêu người Liên Xô thực sự lắng nghe các chương trình phát sóng, nhưng các báo cáo từ phía sau Bức Màn Sắt chỉ ra rằng nhiều chương trình của VOA, đặc biệt là về mảng âm nhạc, đã được háo hức chờ đợi mỗi đêm.
Tính đến thập niên 1960, VOA đã phát sóng đến mọi châu lục bằng vài chục ngôn ngữ.