24/03/2015: Phi công Germanwings cố tình đâm máy bay để tự tử

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germanwings pilot intentionally crashes plane, killing 150 people, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2015, phi công phụ của một hãng hàng không Đức đã cố tình điều khiển máy bay của mình đâm vào dãy núi Alps của Pháp, khiến bản thân anh ta và 149 người khác trên máy bay thiệt mạng. Vào thời điểm bị rơi, chuyến bay 9525 của Germanwings đang bay từ Barcelona, Tây Ban Nha, đến Dusseldorf, Đức.

Máy bay cất cánh từ Barcelona vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương và đạt độ cao 11,6km lúc 10:27 sáng. Ngay sau đó, cơ trưởng, Patrick Sondenheimer, 34 tuổi, đã yêu cầu phi công phụ, 27 tuổi, Andreas Lubitz, tiếp nhận việc điều khiển máy bay trong lúc anh tạm rời buồng lái, có lẽ là để sử dụng nhà vệ sinh. Lúc 10:31 sáng, máy bay bất ngờ hạ độ cao nhanh chóng, và chỉ 10 phút sau đó đã rơi xuống địa hình đồi núi gần thị trấn Prads-Haute-Bleone, miền nam nước Pháp. Không có người sống sót. Ngoài hai phi công, chiếc Airbus A320 xấu số còn đang chở theo 4 thành viên phi hành đoàn và 144 hành khách đến từ 18 quốc gia khác nhau, trong đó có ba người Mỹ.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, các nhà điều tra đã xác định rằng khi cơ trưởng bước ra khỏi buồng lái, Lubitz đã khóa trái cửa, không cho anh quay vào lại. Có thể nghe thấy tiếng Sondenheimer trong đoạn ghi âm hộp đen của máy bay, điên cuồng hét lên với phi công phụ và cố gắng phá cửa buồng lái. (Kể từ sự kiện ngày 11/09, công ty mẹ Lufthansa đã cho lắp đặt các cửa buồng lái cực kỳ kiên cố. Tuy nhiên, khi chuyến bay của Germanwings xảy ra sự cố, hãng đã không bắt buộc rằng lúc nào cũng phải có hai thành viên phi hành đoàn trong buồng lái như các hãng hàng không Mỹ.) Ngoài ra, dữ liệu bay thu thập được cho thấy Lubitz dường như đã ‘luyện tập’ nhiệm vụ tự sát của mình trong chuyến bay trước đó cùng ngày, khi anh ta cài đặt độ cao của máy bay xuống chỉ còn 30m mỗi khi cơ trưởng ra khỏi buồng lái một thời gian ngắn. (Vì Lubitz nhanh chóng khôi phục lại thông số điều khiển, nên hành động của anh ta đã không bị phát hiện trong suốt chuyến bay.)

Các nhà điều tra vụ tai nạn cũng phát hiện ra Lubitz có tiền sử trầm cảm nặng, và trong những ngày trước khi thảm họa xảy ra, anh ta đã tìm kiếm trên Internet các cách thức tự tử, cũng như thông tin về an ninh cửa buồng lái. Năm 2008, Lubitz, từng chơi tàu lượn (glider) khi còn là một thiếu niên, đã tham gia chương trình đào tạo phi công cho Lufthansa, công ty sở hữu hãng hàng không giá rẻ Germanwings. Anh ta tạm nghỉ vào năm 2009 nhằm điều trị các vấn đề tâm lý, nhưng sau đó đã được chấp thuận trở lại trường, và lấy bằng phi công thương mại vào năm 2012. Anh ta bắt đầu làm việc cho Germanwings vào năm 2013. Các nhà điều tra đã đưa ra bằng chứng cho thấy, trong những tháng trước vụ tai nạn, Lubitz đến rất nhiều bác sĩ để thăm khám, vì một tình trạng không xác định. Anh ta liên tục nhận về các thông báo rằng mình không đủ khả năng làm việc, nhưng đã giấu kín chuyện này với Lufthansa.

Trường hợp phi công sử dụng máy bay để tự sát là rất hiếm. Theo tờ New York Times, một nghiên cứu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho thấy trong số 2.758 vụ tai nạn hàng không được FAA ghi nhận từ năm 2003 đến năm 2012, chỉ có tám vụ được kết luận là do phi công tự tử.