Về thương vong của quân đội Nhật trong Thế chiến II

Print Friendly, PDF & Email

Tổng hợp: Nguyễn Hải Hoành

Trong Thế chiến II, số binh sĩ Lục quân Nhật chết và mất tích là 1.439.101 người, số binh sĩ Hải quân chết và mất tích là 419.710 người, tổng số là 1.858.811 người. Đây là con số thống kê tính đến năm 1952, khi ấy còn mấy trăm nghìn tù binh Nhật đang lao động tại các công trình xây dựng ở Liên Xô, chưa rõ tình hình sống chết ra sao.

Năm 1966 Nhật và Liên Xô khôi phục quan hệ ngoại giao, sau đó toán tù binh cuối cùng bị giam ở Tây Siberia được trao trả về Nhật. Trong dịp đó, một số tội phạm chiến tranh Nhật được tòa án Trung Quốc xét xử tha bổng cũng được về nước. Như vậy toàn bộ quân đội Nhật đóng ở nước ngoài đều đã về nước.

Nhưng theo sách “Nhật Bản Lục Hải quân sự điển” thì trong thời gian từ ngày 7/7/1937 đến ngày 14/8/1945, tức từ ngày Nhật gây ra chiến tranh xâm lược Trung Quốc (vụ khiêu khích tại  Lư Cầu Kiều) cho đến ngày Nhật đầu hàng vô điều kiện, tổng số lính Nhật đã chết là 1.940.100 người, trong đó Lục quân 1.482.300, Hải quân 457.800 người. (Trong Thế chiến II, Nhật không thành lập riêng binh chủng Không quân mà phối thuộc vào lục quân và hải quân.)

Trong số 1,94 triệu lính Nhật chết trong 8 năm chiến tranh (1937-1945), có 404,6 nghìn chết tại Trung Quốc (không kể chết 26,5 nghìn người tại vùng Đông Bắc Trung Quốc), 192,7 nghìn người chết tại vùng Đông Nam Á (chủ yếu chết tại Miến Điện), 1,3163 triệu người chết trên chiến trường Thái Bình Dương (kể cả trên đất Nhật), chủ yếu bị Mỹ tiêu diệt.

Thương vong của Nhật trên chiến trường Trung Quốc:

Như trên đã nói, có 404,6 nghìn lính Nhật chết trên đất Trung Quốc, chiếm 21% tổng số binh sĩ Nhật chết trong Thế chiến II, chưa kể 1,5 triệu bị thương. Nếu xét tỷ lệ thương binh Nhật được phục hồi sức khoẻ là 76%, thì số binh sĩ Nhật thương vong trong 8 năm xâm lược Trung Quốc không quá 700 nghìn người. Con số trên chưa xét tới 26,5 nghìn lính Nhật chết tại chiến trường Đông Bắc Trung Quốc do bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt.

So sánh với thiệt hại của phía quân đội Trung Quốc:

Quân đội Chính phủ Quốc dân Trung Quốc (của Tưởng Giới Thạch) thương vong 3.216.079 người, trong đó chết 1.324.271 người, mất tích 130.126 người, bị thương 1.761.682 người. Các con số trên chưa kể số thương binh bị chết và số người chết không phải trong chiến đấu (chủ yếu chết vì ốm đau và đói ăn). Trong 8 năm chiến tranh, các bệnh viện quân đội Trung Quốc đã tiếp nhận 1.378.526 thương bệnh binh, nhưng không có thống kê số thương bệnh binh chết.

Có học giả Trung Quốc cho rằng ít nhất có 2 triệu binh sĩ chính phủ Quốc dân chết vì chiến đấu và vì bị thương, ốm đau. Như vậy số binh sĩ phía Trung Quốc chết nhiều gấp gần 6 lần so với phía Nhật.

Ngoài ra trong giao chiến với phía Nhật, lực lượng quân đội chính quy của Đảng Cộng sản Trung Quốc có 584.267 người thương vong, trong đó chết 160.603 người, mất tích 87.208 người, bị bắt làm tù binh 45.989 người, bị thương 290.467 người.

Tại Đông Nam Á:

Số lính Nhật chết là 192,7 nghìn người, trong đó chết tại chiến trường Miến Điện 161,9 nghìn (chủ yếu bị quân đội Anh tiêu diệt). Có khoảng 30 nghìn lính Nhật chết trên chiến trường Đông Dương, Malaya và Singapore, Thái Lan, chủ yếu chết trong chiến đấu với quân đội Anh, Pháp, và du kích Việt Nam, Malaya.

Trên chiến trường Thái Bình Dương:

Tổng số lính Nhật bị quân đội Mỹ tiêu diệt là 1.316.300 người, chiếm 67,8% tổng số lính Nhật chết trong Thế chiến II, gồm lục quân 887,4 nghìn, hải quân 428,9 nghìn người. Như vậy có thể thấy Mỹ thực sự đóng vai trò chủ lực trong việc đánh bại Nhật Bản.

Thống kê nói trên khác xa những con số do phía Trung Quốc đưa ra. Ví dụ trong bài “Địa vị lịch sử cuộc Kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc trong chiến tranh chống phát xít” do Học viện Quân sự Quân Giải phóng Trung Quốc công bố ngày 15/8/2005 có viết: Chiến trường Trung Quốc đã tiêu diệt hơn 1,55 triệu binh sĩ Nhật (chết 400 nghìn, bị thương và bị bắt 1,1 triệu người), chiếm hơn 75% tổng số lính Nhật thương vong trong Thế chiến II.

Tài liệu tham khảo chính: Bản dịch tiếng Trung sách “Toàn sử chiến tranh Đại Đông Á”, tiếng Nhật, xuất bản tại Tokyo.

Người lính Nhật cuối cùng đầu hàng