11/10/1915: Bulgaria chính thức tham gia Thế chiến I

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Bulgaria enters World War I, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1915, Thủ tướng Vasil Radoslavov của Bulgaria đã tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ tham gia Thế chiến I, về phe của Liên minh Trung tâm.

Được cả hai bên bí mật chiêu mộ trong Thế chiến I với tư cách là một đồng minh tiềm năng ở khu vực Balkan đầy biến động, Bulgaria cuối cùng đã quyết định ủng hộ Liên minh Trung tâm. Trong tuyên bố của mình vào ngày 11/10/1915, Radoslavov lập luận rằng việc cùng Đức, Áo-Hung và Đế chế Ottoman đối đầu với các cường quốc Đồng minh Hiệp ước – Anh, Pháp và Nga – là điều nên làm, không chỉ vì lý do kinh tế, vì Áo-Hung và Ottoman là đối tác thương mại chính của Bulgaria, mà còn là cách để tự vệ trước sự xâm lược của Serbia, đồng minh của Nga và một cường quốc ở Balkan, mà Radoslavov coi là “kẻ thù lớn nhất” của đất nước mình.

“Ngày nay, chúng ta thấy các dân tộc đang chiến đấu với nhau, không phải vì lý tưởng, mà chỉ vì lợi ích vật chất của họ,” Radoslavov khẳng định. “Do đó, chúng ta càng bị ràng buộc với một quốc gia về mặt vật chất, thì quốc gia đó càng quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của chúng ta, vì quốc gia ấy sẽ thu lợi từ những người giúp đỡ chúng ta, và bị ràng buộc với chúng ta nhờ liên kết kinh tế… Các số liệu cho thấy rằng thương mại của chúng ta, lợi ích của chúng ta, và đời sống kinh tế của chúng ta có mối liên hệ không thể tách rời với Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Áo-Hung… ”

Bulgaria đã hành động nhanh chóng sau khi tuyên chiến, xâm lược tỉnh Macedonia của Serbia, và trong quá trình đó cũng gây tổn thất cho quân Hiệp ước ở Hy Lạp khi lực lượng này tìm cách hỗ trợ quân đội Serbia. Mùa hè năm 1916, Bulgaria xâm lược và chiếm đóng một phần lãnh thổ của Hy Lạp khi đó còn trung lập, tiến hành một cuộc tấn công lớn vào tháng 8, và chỉ bị dừng lại khi người Anh tiến hành tấn công trên không và trên biển. Bế tắc kéo dài cho đến năm 1918, khi quân Hiệp ước bắt đầu gây áp lực nhiều hơn lên quân Đức ở Mặt trận phía Tây, buộc Đức phải điều quân từ mặt trận Salonika – tên gọi các chiến trường phía bắc Hy Lạp và Macedonia – nơi họ đang hỗ trợ các đồng minh Bulgaria. Tinh thần suy sụp và sự bất mãn trong quân đội Bulgaria cũng như ở quê nhà đã trở nên trầm trọng hơn sau một cuộc tấn công mới của phe Hiệp ước, được phát động vào giữa tháng 9. Đến ngày 24/09, chính phủ Bulgaria đã ủy quyền cho chỉ huy quân đội của mình tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến. Bulgaria chính thức rút khỏi Thế chiến I vào ngày 29/09/1918, mất khoảng 90.000 binh sĩ trong toàn bộ cuộc xung đột.