16/10/1995: Tuần hành Một triệu Người Mỹ gốc Phi

Nguồn: Million Man March, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1995, một đám đông khổng lồ bao gồm chủ yếu là đàn ông người Mỹ gốc Phi đã biểu tình ở Công viên National Mall, trong sự kiện được gọi là Tuần hành Một triệu Người Mỹ gốc Phi (Million Man March). Mong muốn được thấy Quốc hội Mỹ hành động vì lợi ích của người Mỹ gốc Phi và chống lại những định kiến tiêu cực về đàn ông gốc Phi, một lượng người biểu tình khổng lồ đã tập hợp và lắng nghe phát biểu của hàng loạt các nhà lãnh đạo trong phong trào dân quyền suốt hơn 12 giờ.

Tuần hành Một triệu Người Mỹ gốc Phi là đứa con tinh thần của Louis Farrakahn, người đứng đầu tổ chức Quốc gia của người Hồi giáo (Nation of Islam, NOI). Sự kiện được tổ chức bởi Thượng đỉnh Lãnh đạo Quốc gia Người Mỹ gốc Phi (National African American Leadership Summit) và một số nhóm khác. Cuộc tuần hành nhằm phản ứng lại tình hình chính trị Mỹ thời bấy giờ – với một Quốc hội dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa và một Tổng thống Dân chủ theo khuynh hướng bảo thủ, Bill Clinton – Washington chủ trương giảm thuế và cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho các chương trình giáo dục, nhà ở và xã hội. Ban tổ chức sự kiện này cũng bày tỏ mong muốn thay đổi hình ảnh của đàn ông người Mỹ gốc Phi trong mắt công chúng Mỹ, sau một loạt những vụ bê bối của người nổi tiếng như phiên tòa xét xử O.J. Simpson và vụ hiếp dâm của Mike Tyson, lập luận rằng đàn ông gốc Phi thường bị chính phủ và truyền thông xem như “vật tế thần” cho tội lỗi của tất cả đàn ông Mỹ.

Sự kiện bắt đầu bằng lời cầu nguyện của các tín đồ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Người tham dự sau đó lắng nghe các bài phát biểu và cả các màn trình diễn của những đại diện đến từ châu Phi và Caribbean, một số mục sư Thiên Chúa giáo, và các nhân vật nổi tiếng như Rosa Parks, Martin Luther King III, Maya Angelou, Tiến sĩ Cornel West cùng nhiều người khác. Chương trình kéo dài tổng cộng hơn 12 giờ. Các diễn giả nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm, trong khi đám đông đàn ông cam kết hỗ trợ gia đình của mình; không ngược đãi phụ nữ và trẻ em; từ bỏ bạo lực, ngoại trừ để tự vệ; đồng thời xây dựng các doanh nghiệp và thể chế của người gốc Phi trong cộng đồng của họ. Một số nhà phê bình đã đặt câu hỏi về cuộc tuần hành, cho rằng nó giống như một màn kịch để thể hiện trách nhiệm của những người đàn ông gốc Phi, chủ yếu nhằm gây ấn tượng với giới truyền thông và các tập đoàn Mỹ. Việc cuộc tuần hành chỉ tập trung vào nam giới cũng khiến nó bị nhiều nhà nữ quyền, trong đó có cả Angela Davis, chỉ trích. Trong cuộc tuần hành, mục sư Jesse Jackson đã kêu gọi phản đối Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát vì cắt tài trợ cho các trường công lập ở các khu vực nghèo, trong khi các diễn giả khác lên án bất bình đẳng chủng tộc trong lực lượng hành pháp và việc đóng cửa các bệnh viện trong thành phố.

Cảnh sát Công viên Quốc gia Mỹ ước tính có 400.000 người đã tham dự sự kiện, điều này khiến những người tổ chức cuộc tuần hành nổi giận. Một ước tính sau đó đưa ra con số là 870.000 với biên độ sai số 20%, đủ cao để bỏ ngỏ khả năng một triệu người đàn ông thực sự đã tham dự sự kiện. Tương tự như số lượng người tham dự, rất khó để đánh giá tác động lâu dài của cuộc tuần hành, nhưng các nhà tổ chức đã chỉ ra, trong vòng một năm sau đó, việc hơn 1,5 triệu người đàn ông gốc Phi đăng ký đi bỏ phiếu lần đầu tiên chính là bằng chứng cho sự thành công của họ.