27/10/1962: Mỹ và Liên Xô lùi bước trước bờ vực chiến tranh hạt nhân

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The United States and Soviet Union step back from brink of nuclear war, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1962, cuộc đàm phán phức tạp và đầy căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô cuối cùng đã dẫn đến một kế hoạch chấm dứt cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba vốn đã kéo dài hai tuần. Vậy là giai đoạn đáng sợ – trong đó thế giới cận kề nguy cơ hủy diệt hạt nhân – cuối cùng cũng kết thúc.

Kể từ bài phát biểu ngày 22/10 của Tổng thống John F. Kennedy, cảnh báo Liên Xô ngừng chương trình liều lĩnh đưa vũ khí hạt nhân vào Cuba và tuyên bố “phong tỏa” hải quân đối với các chuyến hàng vũ khí bổ sung đang trên đường đến Cuba, thế giới đã nín thở chờ xem liệu hai siêu cường có quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Không có giải pháp rõ ràng nào trong tầm với, lực lượng Mỹ đã được đặt trong tình trạng DEFCON 2 – nghĩa là chiến tranh liên quan đến Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC) sắp xảy ra. Ngày 24/10, hàng triệu người đã chờ đợi xem liệu các tàu Liên Xô mang theo tên lửa bổ sung tới Cuba có cố gắng phá vỡ vòng vây của hải quân Mỹ xung quanh hòn đảo hay không. Vào phút cuối, các tàu này đã quay đầu và trở về Liên Xô.

Sang ngày 26/10, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã phản ứng lại lệnh phong tỏa bằng cách gửi một bức thư dài và khá rời rạc tới Kennedy, đề nghị một thỏa thuận: Các tàu Liên Xô đi Cuba sẽ “không mang theo bất kỳ loại vũ khí nào,” nếu Mỹ thề không bao giờ xâm lược Cuba. Ông đề xuất, “chúng ta hãy thể hiện sự khôn ngoan,” và kêu gọi Kennedy “hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem những hành động hiếu chiến, hải tặc, mà ông tuyên bố rằng Mỹ dự định thực hiện ở các vùng biển quốc tế, sẽ dẫn đến điều gì.”

Ngày hôm sau, lãnh đạo Liên Xô lại gửi đến một lá thư khác, đề nghị loại bỏ các tên lửa khỏi Cuba nếu Mỹ loại bỏ các tên lửa hạt nhân của họ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Kennedy và các quan chức của ông đã tranh luận về phản ứng thích hợp của Mỹ đối với lời đề nghị này. Cuối cùng, Tổng Chưởng lý Robert Kennedy đã nghĩ ra một kế hoạch có thể chấp nhận được: tiếp nhận lời đề nghị đầu tiên của Khrushchev và bỏ qua lá thư thứ hai.

Dù Mỹ đã xem xét việc loại bỏ các tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian, nhưng việc đồng ý với yêu cầu của Liên Xô để loại bỏ chúng có thể khiến người Mỹ trở nên yếu thế. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, các nhà ngoại giao Liên Xô đã được thông báo rằng các tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được dỡ bỏ sau khi các tên lửa của Liên Xô ở Cuba được đưa đi. Thông tin này kèm theo lời đe dọa: Nếu các tên lửa của Cuba không được dỡ bỏ trong hai ngày, Mỹ sẽ dùng đến hành động quân sự. Lúc bấy giờ, đến phiên Khrushchev phải xem xét một lời đề nghị để chấm dứt bế tắc.

Hồi ký Miyazawa: Nội tình Khủng hoảng tên lửa Cuba