Nguồn: The execution of Pvt. Slovik, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1945, Binh nhì Eddie Slovik trở thành lính Mỹ đầu tiên bị xử tử vì tội đào ngũ kể từ Nội chiến Hoa Kỳ – và là người duy nhất phải chịu số phận này trong Thế chiến II.
Eddie Slovik là lính nghĩa vụ. Ban đầu được phân loại 4-F vì có tiền án tù (trộm cắp xe hơi), sau đó anh đã được tái phân loại thành 1-A khi các tiêu chuẩn cho lính nhập ngũ được hạ xuống để đáp ứng nhu cầu nhân sự ngày càng tăng. Tháng 1/1944, Slovik được huấn luyện để trở thành lính bắn tỉa, điều mà anh không thích vì bản thân anh ghét súng.
Tháng 8 cùng năm, Slovik được chuyển đến Pháp để chiến đấu với Sư đoàn Bộ binh 28, khi đó đã chịu thương vong nặng nề ở Pháp và Đức. Slovik là lính thay thế, loại lính không được các sĩ quan đặc biệt coi trọng. Khi anh và một đồng đội đang trên đường ra tiền tuyến, họ bị lạc ở chiến trường hỗn loạn và tình cờ gặp được một đơn vị của Canada, những người đã tiếp nhận họ.
Slovik ở lại với đơn vị Canada cho đến ngày 5/10, khi họ giao anh và đồng đội đi cùng cho quân cảnh Mỹ. Cả hai trở về với Sư đoàn 28 khi sư đoàn đã được chuyển đến Elsenborn, Bỉ. Không có cáo buộc nào được đưa ra, vì chuyện lính thay thế đi lạc trong những ngày đầu làm nhiệm vụ không phải hiếm gặp. Nhưng đúng một ngày sau khi trở lại đơn vị, Slovik nói rằng mình “quá sợ hãi và quá lo lắng” để có thể làm công việc của một tay súng, và đe dọa sẽ bỏ trốn nếu bị buộc phải ra chiến đấu. Lời nói của anh đã bị phớt lờ – và Slovik thực sự đã bỏ trốn. Một ngày sau, anh quay trở lại và ký vào bản thú tội đào ngũ, tuyên bố rằng mình sẽ bỏ trốn một lần nữa nếu bị buộc phải chiến đấu, và nộp nó cho một sĩ quan của Sư đoàn 28. Viên sĩ quan khuyên Slovik rút lại bản thú tội vì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Slovik từ chối và đã bị giam giữ trong kho chứa đồ.
Sư đoàn 28 đã chứng kiến nhiều trường hợp binh sĩ tự làm mình bị thương hoặc đào ngũ với hy vọng nhận được bản án tù để có thể bảo vệ mình khỏi chiến trường nguy hiểm. Một sĩ quan pháp lý của Sư đoàn 28 đã đưa ra một thỏa thuận cho Slovik: ra chiến trường chiến đấu ngay lập tức và sẽ không phải ra tòa án binh. Slovik từ chối. Anh ta bị xét xử vào ngày 11/11 vì tội đào ngũ và bị kết án trong vòng chưa đầy hai giờ. Hội đồng xét xử gồm chín sĩ quan đã nhất trí thông qua bản án tử hình, “bị bắn chết bằng súng hỏa mai.”
Slovik đã kháng cáo không thành công. Người ta cho rằng anh ta đã “trực tiếp thách thức chính quyền Mỹ” và rằng “kỷ luật trong tương lai phụ thuộc vào phản ứng cứng rắn trước thách thức này.” Slovik đã phải trả giá cho thái độ ngoan cố của mình, và quân đội đã xử anh ta để làm gương. Bản kháng án cuối cùng đã được gửi đến Tướng Dwight D. Eisenhower, Tư lệnh Đồng minh Tối cao – nhưng thời điểm đó không phù hợp để thể hiện lòng thương xót. Trận Bulge trong rừng Ardennes đã dẫn đến hàng nghìn thương vong cho quân Mỹ, đồng thời cũng là vụ đầu hàng lớn thứ hai của một đơn vị Quân đội Mỹ trong chiến tranh. Eisenhower quyết định giữ nguyên bản án tử hình.
Slovik sau đó bị hành quyết bởi một đội xử bắn gồm 12 người ở miền đông nước Pháp.