07/02/1962: Mỹ công bố cấm vận hoàn toàn đối với Cuba

Nguồn: Full U.S.-Cuba embargo is announced, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1962, Tổng thống John F. Kennedy ban hành sắc lệnh mở rộng các hạn chế thương mại của Mỹ đối với Cuba. Lệnh cấm vận theo sau – cấm toàn bộ hoạt động thương mại giữa Cuba và Mỹ – đã có tác động tiêu cực sâu sắc đến nền kinh tế của đảo quốc và định hình lịch sử đương đại của Tây Bán cầu.

Lệnh cấm vận là kết quả của sự lao dốc nhanh chóng trong quan hệ Mỹ-Cuba. Các nhà cách mạng của Fidel Castro đã lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn vào năm 1959, nhưng ban đầu, chế độ mới của Cuba đã tìm kiếm quan hệ thân thiện với nước láng giềng hùng mạnh nhất của mình.

Castro từng có một chuyến công du thiện chí tới Mỹ và hào hứng nói về sự hợp tác lớn hơn trong khu vực, nhưng người Mỹ vẫn hoài nghi, lo sợ vì ông là một người cộng sản. Một năm sau, Tổng thống Dwight D. Eisenhower cấm các công ty Mỹ bán dầu cho Cuba, khiến Castro phải quốc hữu hóa cả ba nhà máy lọc dầu của Mỹ trên hòn đảo. Sau Sự kiện Vịnh Con Lợn, một nỗ lực chống cách mạng thất bại do CIA dàn dựng vào năm 1961, Castro đã từ bỏ mọi hy vọng về một quan hệ thân thiện với Mỹ, chính thức tuyên bố Cuba theo chủ nghĩa Mác. Tình hình ngoại giao ngày càng trở nên căng thẳng, khiến Kennedy phải mở rộng lệnh cấm vận.

Lệnh cấm vận đã được nới lỏng nhiều lần, đáng chú ý là dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và Barack Obama. Nhờ đó, việc người Mỹ đến Cuba một cách hợp pháp đã trở nên dễ dàng hơn, dù việc đi lại vẫn bị hạn chế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nông nghiệp của Mỹ cũng được phép bán hàng cho Cuba. Tuy nhiên, lệnh cấm vận đã có tác động tàn phá. Người ta ước tính nền kinh tế Mỹ đã chịu thiệt hại nhiều hơn do lệnh cấm vận – gần 5 tỷ đô la mỗi năm, nhưng nền kinh tế nhỏ hơn nhiều của Cuba cũng phải chịu thiệt hại ước tính đến 685 triệu đô la mỗi năm. Thiệt hại do khách du lịch Mỹ tiềm năng đổ xô đến các đảo khác ở Caribbean chiếm phần lớn trong số đó.

Lệnh cấm vận đối với Cuba chưa bao giờ đạt được mục tiêu chính của hầu hết các lệnh cấm vận – cô lập quốc gia mục tiêu và buộc nước này phải chấp nhận các yêu cầu của đối thủ – nhưng đã khiến Cuba trở nên phụ thuộc nhiều vào Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nền kinh tế Cuba bị tàn phá nặng nề. Cuba tiếp tục giao thương với phần còn lại của thế giới, nhưng lệnh cấm vận đối với đi lại và trao đổi hàng hóa giữa hòn đảo này và quốc gia giàu có nhất, hùng mạnh nhất trong khu vực đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Cuba, cản trở sự phát triển của hòn đảo trong gần như toàn bộ lịch sử của nó với tư cách là một quốc gia độc lập.