Nguồn: “The Passion of the Christ” opens in the United States, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 2004, The Passion of the Christ (Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô), tác phẩm gây tranh cãi của Mel Gibson về 44 giờ cuối cùng trong cuộc đời của Đức Jesus thành Nazareth, đã chính thức được công chiếu tại các rạp phim trên toàn nước Mỹ. Không phải ngẫu nhiên, ngày mở màn này trùng với Thứ Tư Lễ Tro, ngày lễ bắt đầu Mùa Chay của Công giáo.
Là ngôi sao của những bộ phim hành động bom tấn như Lethal Weapon và Braveheart, Gibson đang được trả hơn 20 triệu đô la cho mỗi bộ phim vào thời điểm ông quyết định đạo diễn The Passion of the Christ – bộ phim mà ông không hề nhận một đồng thù lao nào. Phần lớn dựa trên cuốn nhật ký viết trong thế kỷ 18 của Thánh Anne Catherine Emmerich, bộ phim là thành quả từ đam mê của Gibson, người sau này đã chia sẻ với tạp chí Time rằng ông có “khát khao được kể câu chuyện này… Phúc âm cho bạn biết đại loại thì điều gì đã xảy ra; còn tôi muốn biết điều gì đã thực sự xảy ra.” Ông tự mình tìm kiếm các địa điểm quay phim ở Ý và nhờ một học giả Dòng Tên dịch kịch bản phim từ tiếng Anh sang tiếng Aramaic (được cho là tiếng mẹ đẻ của Chúa Jesus) và tiếng Latinh. Ý định ban đầu của Gibson là công chiếu The Passion of the Christ mà không có phụ đề, cố gắng “vượt qua rào cản ngôn ngữ nhờ nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh,” như sau này ông giải thích. Tuy nhiên, với lời thoại hoàn toàn bằng tiếng Latinh, tiếng Do Thái, và tiếng Aramaic, bộ phim sau cùng đã được phát hành với phụ đề.
Một năm trước khi The Passion of the Christ được phát hành, tranh cãi đã nổ ra về việc liệu bộ phim có mang tính bài Do Thái hay không. Abraham Foxman, người đứng đầu Liên đoàn Chống Phỉ báng (Anti-Defamation League, ADL) đã nói rằng bộ phim của Gibson “có thể châm ngòi cho sự thù hận, cố chấp, và bài Do Thái.” Cụ thể, những người phản đối tuyên bố: bộ phim sẽ góp phần vào ý tưởng rằng người Do Thái nên bị đổ lỗi cho cái chết của Chúa Jesus, vốn là nguồn gốc dẫn đến nhiều đợt bạo lực chống người Do Thái trong suốt lịch sử nhân loại. Về phần mình, Gibson dứt khoát phủ nhận các cáo buộc bài Do Thái, nhưng chúng vẫn tiếp tục ám ảnh ông nhiều năm sau khi bộ phim được phát hành. (Tháng 7/2006, ông bị bắt vì lái xe trong tình trạng say rượu; một báo cáo bị rò rỉ của cảnh sát nói rằng Gibson đã nói những câu có tính bài Do Thái với sĩ quan bắt giữ ông. Gibson sau đó thừa nhận báo cáo đó là chính xác và đã công khai xin lỗi về phát ngôn của mình). Trong khi đó, các nhà phê bình Công giáo của bộ phim chỉ ra rằng nó đã xa rời nội dung Tân Ước, tập trung quá nhiều vào các tác phẩm khác ngoài Kinh Thánh, chẳng hạn như nhật ký của Thánh Emmerich.
Gibson, người đã đổ hàng triệu đô la tiền túi vào dự án này, đã gặp khó khăn trong việc tìm nhà phân phối cho bộ phim. Cuối cùng, Newmarket Films ký hợp đồng phát hành nó tại Mỹ. Khi ra mắt vào tháng 2/2004, The Passion of the Christ đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi gây ra một cơn sốt phòng vé. Nó cũng tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa tranh cãi, bị chỉ trích gay gắt vì cực kỳ bạo lực và máu me – phần lớn bộ phim tập trung vào việc Chúa Jesus bị đánh đập dã man trước khi bị đóng đinh – điều mà nhiều người cho là đã bị diễn đạt quá lố. Nhà phê bình phim Roger Ebert gọi The Passion of the Christ là “bộ phim bạo lực nhất mà tôi từng xem.” Gibson nói rằng ông cố tình gợi lên những phản ứng như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn với Diane Sawyer, ông tuyên bố: “Tôi muốn bộ phim phải gây sốc. Tôi muốn nó trở nên cực đoan…. Để người ta thấy được sự hy sinh vĩ đại; để hiểu rằng người ta có thể chịu đựng những thứ như vậy và vẫn quay trở lại cùng tình yêu thương và sự tha thứ, ngay cả khi trải qua đau đớn, khổ nhục, và bị chế giễu đến tột cùng.”