Nguồn: The FBI debuts “10 Most Wanted Fugitives” list, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1950, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lập danh sách “10 kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất” nhằm công khai thông tin về những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Sự ra đời của danh sách này bắt nguồn từ một bản tin vào năm 1949, nói về “những tội phạm khó bắt giữ nhất” của FBI. Câu chuyện đã thu hút sự chú ý của công chúng đến nỗi danh sách “10 kẻ bị truy nã gắt gao nhất” đã được Giám đốc FBI J. Edgar Hoover chấp thuận ngay trong năm sau.
Kể từ khi danh sách được công bố lần đầu tiên, hàng trăm tội phạm có tên trong danh sách đã bị bắt hoặc bị định vị, với hơn 150 tên bị bắt nhờ thông tin từ công chúng. Ban Điều tra Tội phạm (CID) của FBI đã yêu cầu tất cả 56 văn phòng trực thuộc gửi các ứng viên để đưa vào danh sách. Sau đó, CID kết hợp với Văn phòng Công vụ và Quốc vụ sẽ đề xuất những tên tội phạm lọt vào danh sách cuối cùng để Phó Giám đốc FBI phê duyệt. Tiêu chí lựa chọn rất đơn giản: kẻ bị truy nã phải có hồ sơ tiền án nhiều năm và các tội danh đang chờ xử lý sẽ khiến hắn trở nên đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, FBI phải có cơ sở để tin rằng việc công khai danh tính kẻ bị truy nã sẽ giúp ích cho quá trình bắt giữ.
Nhìn chung, cách duy nhất để thoát khỏi danh sách này là chết hoặc bị bắt. Chỉ có một số rất ít trường hợp tội phạm được đưa ra khỏi danh sách vì chúng không còn là mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Cho đến nay, chỉ có mười phụ nữ xuất hiện trong danh sách “10 kẻ bị truy nã gắt gao nhất” của FBI, với Ruth Eisemann-Schier là người đầu tiên vào năm 1968.