Nguồn: Mount St. Helens erupts, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1980, lúc 8:32 sáng theo giờ Thái Bình Dương (PDT), St. Helens, một đỉnh núi lửa ở phía tây nam Washington, đã bắt đầu một vụ phun trào lớn, giết chết 57 người và tàn phá khoảng 545 km2 đất hoang dã.
Được người Mỹ bản địa gọi là Louwala-Clough, hay “Núi Khói” (the Smoking Mountain), St. Helens nằm trong Dãy Cascade và có độ cao 2.95 km trước vụ phun trào. Thực chất, núi lửa này đã phun trào định kỳ trong suốt 4.500 năm qua và giai đoạn hoạt động gần nhất của nó là từ năm 1831 đến năm 1857. Ngày 20/03/1980, núi lửa đã bắt đầu có các hoạt động đáng chú ý, với một loạt chấn động tập trung ở mặt đất, ngay bên dưới sườn phía bắc của ngọn núi. Những chấn động này mạnh dần, và đến ngày 27/3, một vụ phun trào nhỏ đã xảy ra. Núi St. Helens bắt đầu phun ra hơi nước và tro bụi qua miệng núi lửa và các lỗ thông hơi.
Các vụ phun trào nhỏ tiếp tục diễn ra hàng ngày, nhưng đến tháng 4, những người quen thuộc với ngọn núi đã nhận thấy có thay đổi về cấu trúc của mặt phía bắc của nó. Một nghiên cứu khoa học đã xác nhận rằng một chỗ phình ra (có đường kính hơn 1.6 km) đang di chuyển lên và hướng ra ngoài trên sườn dốc cao phía bắc với tốc độ 1.8m/ngày. Chỗ phình này là do magma xâm nhập ngay bên dưới bề mặt đá và chính quyền đã bắt đầu sơ tán hàng trăm người khỏi khu dân cư thưa thớt nằm gần núi, nhưng một vài người không chịu rời đi.
Sáng ngày 18/5, St. Helens đã bị rung chuyển bởi một trận động đất khoảng 5,0 độ richter và toàn bộ mặt phía bắc của đỉnh núi bắt đầu trượt xuống. Vụ lở đất khổng lồ mang theo đá và băng, một trong những vụ lở đất lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử, theo sau là một vụ nổ hơi nước và khí núi lửa cực lớn, với đám khí trào lên phía bắc dọc theo mặt đất với tốc độ cao. Vụ nổ đã thổi bay cây cối ở hầu hết các sườn đồi trong bán kính gần 10km tính từ núi lửa và san bằng gần như toàn bộ thảm thực vật trong phạm vi gần 20km. Khoảng 10 triệu cây đã bị đốt cháy trong vụ nổ.
Các mảnh vụn trong vụ lở đất, bị hóa lỏng sau vụ nổ dữ dội, đã tràn xuống núi với tốc độ vượt quá 160km/h. Trận tuyết lở làm ngập hồ Spirit và đổ tràn xuống thung lũng sông Toutle cách đó 21km, chôn vùi con sông ở độ sâu trung bình 46m. Dòng chảy bùn và nham thạch cùng với lũ lụt đã gia tăng mức độ tàn phá, hủy hoại đường sá, cầu cống, công viên, và hàng ngàn mẫu rừng khác. Diễn ra cùng lúc với trận lở tuyết, khí và tro bụi phun thẳng đứng tạo thành một cột hình nấm trên đỉnh núi lửa cao gần 20km. Tro từ vụ phun trào rơi xuống như tuyết trên khắp các thành phố và thị trấn ở miền Tây Bắc và trôi dạt khắp địa cầu suốt hai tuần. Năm mươi bảy người, hàng ngàn động vật và hàng triệu con cá đã bị giết bởi vụ phun trào núi St. Helens.
Đến chiều muộn ngày 18/05, vụ phun trào lắng xuống và đến đầu ngày hôm sau thì chấm dứt. Phần đỉnh hình nón của St. Helens đã bị thổi bay hoàn toàn và thay vào đó là miệng núi lửa hình móng ngựa – chiều cao của ngọn núi bị giảm 0.5km sau vụ phun trào. St. Helens sau đó đã có năm vụ phun trào nhỏ hơn vào mùa hè và mùa thu năm 1980 và vẫn hoạt động cho đến ngày nay. Năm 1982, Quốc hội Mỹ quyết định biến ngọn núi thành khu vực nghiên cứu được bảo vệ.
Núi St. Helens hoạt động trở lại vào năm 2004. Ngày 08/03/2005, một cột hơi nước và tro cao 11km đã bị thổi bay khỏi núi, kèm theo một trận động đất nhỏ. Một vụ phun trào nhỏ khác diễn ra vào năm 2008. Dù đã có một vòm mới phát triển gần đỉnh núi và các trận động đất nhỏ diễn ra thường xuyên, nhưng các nhà khoa học không cho rằng thảm họa năm 1980 sẽ sớm lặp lại.