06/06/2013: Edward Snowden tiết lộ hoạt động giám sát của chính phủ Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Edward Snowden discloses U.S. government operations, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2013, người dân Mỹ đã được tiết lộ rằng họ đang bị chính phủ theo dõi sát sao.

Vụ việc bắt đầu khi The GuardianThe Washington Post xuất bản bài báo đầu tiên trong loạt báo cáo được tổng hợp từ các tài liệu bị rò rỉ bởi một nguồn ẩn danh. Loạt bài này đã vạch trần một chương trình giám sát do chính phủ Mỹ điều hành, theo dõi hồ sơ liên lạc của không chỉ tội phạm hoặc những kẻ khủng bố tiềm năng, mà của cả những công dân tuân thủ luật pháp.

Ba ngày sau, nguồn tin tiết lộ mình là Edward Snowden, một nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Liệu anh ta là người tố giác hay kẻ phản bội?

Sau vụ tấn công 11/9 và nhu cầu tăng cường an ninh quốc gia, chính phủ Mỹ đã nới lỏng các quy định về giám sát. Bài viết đầu tiên đăng trên tờ The Guardian tiết lộ rằng NSA đang thu thập và theo dõi hồ sơ điện thoại và tin nhắn của công dân Mỹ. Vài ngày sau, The Washington PostThe Guardian đưa tin rằng chính phủ Mỹ đang xâm nhập vào máy chủ của chín công ty Internet, bao gồm cả Apple, Facebook, và Google, để theo dõi các tin nhắn âm thanh và video, ảnh, email, tài liệu, cũng như nhật ký kết nối của mọi người, như một phần trong chương trình giám sát có tên Prism. Các bài báo sau đó tiết lộ rằng chính phủ Mỹ thậm chí còn theo dõi lãnh đạo của các quốc gia khác, bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Cũng trong tháng đó, Snowden bị buộc tội trộm cắp tài sản chính phủ, tiết lộ trái phép thông tin quốc phòng, và cố ý tiết lộ thông tin tình báo mật. Đối mặt với bản án 30 năm tù, Snowden đã trốn khỏi Mỹ, ban đầu đến Hong Kong rồi sau đó đến Nga, để tránh bị dẫn độ về Mỹ

Sau vụ rò rỉ thông tin, Tổng thống Obama đã chỉ định hai nhóm (mỗi nhóm năm người) điều tra chính sách giám sát của quốc gia. Kết quả là: một số luật và quy định mới đã được ban hành để giới hạn một vài vấn đề như thời gian lưu giữ dữ liệu của công dân Mỹ hoặc cách sử dụng dữ liệu tình cờ thu thập được về người Mỹ thông qua giám sát người nước ngoài. Dù những thay đổi này giúp nâng cao tính minh bạch, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chúng chỉ cải thiện đôi chút các hoạt động giám sát và vẫn không giải quyết được vấn đề xâm phạm quyền riêng tư.

Elizabeth Goitein, đồng giám đốc chương trình về tự do và an ninh quốc gia của Trung tâm Công lý Brennan, nói với phóng viên Frontline của PBS, “Nếu phân tích toàn cảnh, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều chỉnh nhưng thực chất không có biến chuyển nào… Những cải cách này chỉ như những cử chỉ sáo rỗng.”

Kể từ lần đầu tiên Snowden tiết lộ thông tin, các nhà báo đã công bố hơn 7.000 tài liệu tuyệt mật, nhưng một số người cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ kho lưu trữ của anh ta. Không rõ chính xác anh ta đã tải xuống bao nhiêu tập tin, nhưng các quan chức tình báo đã làm chứng vào năm 2014 rằng anh ta đã truy cập 1,7 triệu tập tin.

Tháng 7/2013, xuất hiện một bản kiến nghị xin ân xá cho Snowden, nhưng chính phủ đã bác bỏ nó vào năm 2015. Lisa Monaco, Cố vấn về An ninh Nội địa và Chống Khủng bố của Tổng thống Obama, cho biết Snowden nên trở về Mỹ để “nhận được phát quyết từ một bồi thẩm đoàn gồm những người đồng cấp với anh ta – chứ đừng núp sau vỏ bọc của một chế độ độc tài,” và ngừng “trốn tránh hậu quả của những hành động của mình.”

Năm 2017, Moscow đã gia hạn quyền tị nạn của Snowden cho đến năm 2020, và sau đó được nhập tịch Nga vào năm 2022. Anh ta đã phát hành một cuốn hồi ký, Permanent Record (Hồ sơ Vĩnh viễn), vào năm 2019.