Nguồn: Intifada begins on Gaza Strip, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1987, tại Dải Gaza do Israel chiếm đóng, người Palestine đã phát động đợt bạo loạn đầu tiên trong phong trào intifada, hay “nổi dậy” trong tiếng Ả Rập, một ngày sau khi một chiếc xe tải Israel đâm vào một toa xe chở công nhân Palestine ở quận tị nạn Jabalya của Gaza, khiến 4 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Người Palestine ở Gaza coi vụ việc là một hành động trả đũa có chủ ý sau khi một người Do Thái bị sát hại ở Gaza vài ngày trước đó. Người Palestine đã xuống đường biểu tình, đốt nhiều lốp xe, và ném đá cùng bom xăng vào cảnh sát và quân đội Israel. Tại Jabalya, một chiếc xe tuần tra của quân đội Israel đã bắn vào những kẻ tấn công người Palestine, khiến một thiếu niên 17 tuổi thiệt mạng và 16 người khác bị thương. Ngày hôm sau, lính dù Israel được cử đến Gaza để dập tắt bạo lực, nhưng bạo loạn đã lan sang Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Dù ngày 9/12 được xem là khởi đầu chính thức của intifada, nhưng các cuộc biểu tình, bạo loạn quy mô nhỏ, và bạo lực chống lại người Israel đã leo thang từ nhiều tháng trước đó. Năm 1987 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày Israel chiếm đóng Dải Gaza và Bờ Tây, những vùng đất trước đây do Ai Cập và Jordan kiểm soát, và được người Palestine gọi là nhà. Sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel đã thiết lập chính quyền quân sự tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và sáp nhập vĩnh viễn Đông Jerusalem ở Bờ Tây. Với sự hỗ trợ từ chính phủ của mình, những người định cư Israel đã chuyển đến sống tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, chiếm giữ đất đai của người Ả Rập. Đến tháng 12/1987, 2.200 người định cư Do Thái có vũ trang đã chiếm 40% đất ở Gaza, trong khi 650.000 người Palestine nghèo khổ phải sống chen chúc tại 60% lãnh thổ còn lại, khiến phần đất của người Palestine ở Dải Gaza nhỏ bé trở thành một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất trên trái đất.
Tháng 12/1987, nỗi thống khổ của người Palestine đã bùng phát thành phong trào intifada. Cuộc nổi dậy tự phát của người dân nhanh chóng được đặt dưới sự kiểm soát của các nhà lãnh đạo Palestine, những người đã thành lập Bộ Tư lệnh Khởi nghĩa Thống nhất Quốc gia, có quan hệ với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Dù hình ảnh những thanh niên Palestine ở trại tị nạn ném đá vào quân đội Israel phủ đầy các bản tin truyền hình về intifada, phong trào này thực chất đã lan rộng khắp xã hội Palestine. Những người Palestine giàu có và các nhóm phụ nữ đã cùng tham gia với các nhóm chiến binh trong các cuộc đình công, tẩy chay, và nhiều chiến thuật khác, nhằm giúp người Palestine giành quyền tự trị.
Tháng 7/1988, Vua Hussein của Jordan đã từ bỏ mọi trách nhiệm hành chính đối với Bờ Tây, qua đó củng cố ảnh hưởng của người Palestine. Tháng 11/1988, PLO đã bỏ phiếu tuyên bố thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Trong khi đó, phong trào intifada vẫn tiếp diễn, và đến ngày kỷ niệm đầu tiên của phong trào, hơn 300 người Palestine đã thiệt mạng, hơn 11.000 người bị thương và nhiều người khác bị bắt.
Trong những tuần cuối cùng của năm 1988, lãnh đạo PLO Yasser Arafat đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi tố cáo chủ nghĩa khủng bố, công nhận quyền tồn tại của Nhà nước Israel, và cho phép bắt đầu các cuộc đàm phán “đổi đất lấy hòa bình” với Israel. Năm 1992, lãnh đạo Đảng Lao động Yitzhak Rabin trở thành Thủ tướng Israel và thề sẽ nhanh chóng tiến tới tiến trình hòa bình. Ông yêu cầu “đóng băng” các khu định cư mới của Israel trên lãnh thổ bị chiếm đóng, và intifada đã kết thúc sau 5 năm.
Năm 1993, các cuộc đàm phán bí mật giữa Israel và Palestine ở Oslo, Na Uy đã dẫn đến việc ký kết Tuyên bố Nguyên tắc về Thỏa thuận Chính phủ Lâm thời tại Washington, D.C. vào ngày 13/09. Thoả thuận này kêu gọi rút quân Israel khỏi Gaza và thị trấn Jericho ở Bờ Tây, đồng thời thành lập một chính phủ Palestine mà cuối cùng sẽ được trao quyền kiểm soát phần lớn Bờ Tây.
Bất chấp mọi nỗ lực của các thành phần cực đoan ở cả hai bên, nhằm phá hoại tiến trình hòa bình bằng bạo lực, Israel đã hoàn tất việc rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho vào tháng 5/1994. Sang tháng 7, Arafat tiến vào Jericho dưới sự chào đón của người Palestine và thành lập chính phủ của ông – Chính quyền Palestine. Năm 1994, Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, và Ngoại trưởng Israel Shimon Peres cùng được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực hòa giải của họ.
Năm 1995, Rabin bị một kẻ cực đoan Do Thái ám sát tại một cuộc biểu tình hòa bình ở Tel Aviv, và tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine dần rơi vào đình trệ dưới thời những người kế nhiệm ông: Shimon Peres, Benjamin Netanyahu, và Ehud Barak. Tháng 9/2000, đợt bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi intifada kết thúc đã nổ ra giữa người Israel và người Palestine sau khi Ariel Sharon, lãnh đạo của Đảng Likud cánh hữu, đến thăm Núi Đền, một địa điểm tôn giáo ở Jerusalem có tầm quan trọng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo đang kiểm soát nơi đây. Tìm kiếm một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để ngăn chặn đổ máu, người Israel đã bầu Sharon làm thủ tướng vào tháng 2/2001. Sau khi bị đột quỵ, ông được thay thế bởi cấp phó là Ehud Olmert, vào tháng 4/2006.