Nguồn: Firebombing of Dresden, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1945, lúc trời sẩm tối, quân Đồng minh đã tiến hành một đợt ném bom nhắm vào thành phố Dresden của Đức, biến “Florence bên sông Elbe” thành đống đổ nát và lấy đi mạng sống của khoảng 25.000 người. Dù đã gây tàn phá kinh hoàng, nhưng về mặt chiến lược thì cuộc tấn công này được cho là đạt được rất ít, vì Đức lúc đó đã sắp sửa đầu hàng.
Một trong những quyết định được đưa ra tại Hội nghị Yalta của các cường quốc Đồng minh vào tháng 2/1945 là Đồng minh sẽ tiến hành các cuộc ném bom chiến lược vào các thành phố Đức vốn nổi tiếng về sản xuất vũ khí và chế tạo, nhằm nỗ lực làm tê liệt bộ máy chiến tranh của Đức Quốc Xã. Điều trớ trêu trong cuộc tấn công vào Dresden, một thành phố thời trung cổ nổi tiếng với những báu vật nghệ thuật và kiến trúc phong phú, là trong suốt cuộc chiến, nó chưa bao giờ là một địa điểm sản xuất vũ khí hay ngành công nghiệp lớn. Cả Đồng minh và Đức đều tranh cãi về mục đích thực sự của cuộc ném bom. Lý do chính thức là vì Dresden là một trung tâm liên lạc quan trọng và việc ném bom vào đó sẽ cản trở khả năng truyền đạt thông tin của Đức cho quân đội của họ, khi đó đang chiến đấu với lực lượng Liên Xô. Nhưng đối với nhiều người, mức độ tàn phá này không tương xứng với mục tiêu chiến lược được nêu ra – họ cho rằng cuộc tấn công chỉ đơn giản là một nỗ lực để trừng phạt người Đức và làm suy yếu tinh thần của họ.
Hơn 3.400 tấn chất nổ đã được 800 máy bay Mỹ và Anh ném xuống thành phố. Cơn bão lửa do cuộc ném bom hai ngày tạo ra đã khiến thành phố chìm trong biển lửa thêm nhiều ngày nữa, với những xác chết cháy đen, trong đó có nhiều trẻ em, nằm rải rác khắp trên đường phố. 20 km2 của thành phố bị tàn phá, và tổng số người chết rơi vào khoảng từ 22.700 đến 25.000 người, theo một báo cáo được thành phố Dresden công bố vào năm 2010. Các bệnh viện còn sót lại không thể tiếp nhận hết số người bị thương và bị bỏng, và buộc phải tiến hành chôn cất bằng mộ tập thể.
Trong số các tù binh chiến tranh Mỹ có mặt ở Dresden trong cuộc tấn công có nhà tiểu thuyết Kurt Vonnegut, người đã kể lại trải nghiệm của mình trong tiểu thuyết phản chiến kinh điển “Slaughterhouse Five.”