13/07/1949: Giáo hoàng Pius XII ra vạ tuyệt thông với tín đồ Công giáo cộng sản

Nguồn: Pope Pius XII excommunicates all communist Catholics, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1949, Vatican đã công bố “Sắc lệnh chống chủ nghĩa cộng sản”. Sắc lệnh thời Chiến tranh Lạnh này, được Giáo hoàng Pius XII ban hành vào ngày 1/7, đã phạt vạ tuyệt thông đối với tất cả các tín đồ Công giáo theo chủ nghĩa cộng sản.

Là người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã trong phần lớn Thế chiến II và thập niên đầu tiên của Chiến tranh Lạnh – và là một người chống Cộng nhiệt thành – Đức Pius XII đã ủy quyền cho Văn phòng Tòa Thánh trục xuất khỏi nhà thờ bất kỳ tín đồ Công giáo nào tham gia hoặc cộng tác với “những kẻ vô thần” Cộng sản.

Ngày 15/07/1949, Franklin C. Gowen, quyền đại diện Ngoại giao Mỹ tại Thành Vatican, đã viết một lá thư mô tả cuộc gặp của ông với một đại diện của Vatican tên là Giovanni Battista Montini, người đã thảo luận về sắc lệnh của Giáo hoàng. Montini mô tả chủ nghĩa cộng sản là “kẻ thù không thể hòa giải” của Giáo hội Công giáo và toàn thể Thiên Chúa giáo.

Kể từ Cách mạng Bolshevik năm 1917, với nền tảng vô thần và phi giai cấp, chủ nghĩa cộng sản đã đặt ra một mối đe dọa sống còn đối với Công giáo. Giống như những người tiền nhiệm ở Vatican, Đức Pius XII lo ngại rằng sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản sẽ làm đảo lộn trật tự xã hội lâu đời và làm suy yếu nền văn minh Thiên Chúa giáo. Với việc Đông Âu nhanh chóng tập hợp lại dưới sự chỉ đạo của Liên Xô ngay sau Thế chiến II, những lo ngại đó lại càng gia tăng. Đức Pius cũng có lý do cá nhân cho khuynh hướng chống cộng của mình. Khi ngài đang làm Sứ thần Vatican ở Munich vào năm 1919, một nhóm các nhà cách mạng cộng sản đã đột nhập vào nơi ở của ngài và chĩa súng đòi cướp xe của ngài.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi Giáo hoàng Pius qua đời vào năm 1958, nhiều linh mục – đặc biệt là ở các quốc gia do cộng sản cai trị như Ba Lan và Hungary – đã phớt lờ sắc lệnh và không cấm những người cộng sản lãnh nhận các bí tích trong nhà thờ. Nhiều linh mục giải thích sắc lệnh chỉ áp dụng cho các nhà lãnh đạo cộng sản chứ không phải là các đảng viên cấp thấp. Sắc lệnh đã bị thu hồi theo Bộ Giáo luật năm 1983.

Đức Pius XII, người làm Giáo hoàng từ năm 1939 đến năm 1958 – một trong những thời kỳ thử thách nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại – đã để lại một di sản gây tranh cãi. Các nhà phê bình đã chế giễu việc ngài không lên án Thảm họa Holocaust trong Thế chiến II. Những người bảo vệ ngài phản bác rằng Đức Pius đã phải khéo léo cân bằng tình thế khó khăn trong thời chiến, bí mật cung cấp nơi trú ẩn cho hàng nghìn người tị nạn chiến tranh gốc Do Thái và Công giáo, đồng thời không thể xác minh các báo cáo về hành động tàn bạo. Dù vậy, tuyên bố này đã bị bác bỏ nhiều thập niên sau đó bởi một tài liệu cho thấy rằng ngài đã biết về các vụ xả khí hàng loạt ngay từ năm 1942. Trong những năm gần đây, các động thái nhằm phong chân phước cho Đức Pius (một bước tiến tới việc phong thánh) đã bị đình trệ do thiếu một phép lạ.

Giáo Hoàng Pius XII và nạn diệt chủng Do Thái