11/05/1934: Bão bụi quét qua các tiểu bang miền Đông nước Mỹ

Nguồn: Dust storm sweeps from Great Plains across Eastern states, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1934, một cơn bão lớn đã cuốn hàng triệu tấn bụi đất bay từ khắp vùng Đại Bình nguyên (Great Plains) khô cằn của Mỹ đến tận New York, Boston, và Atlanta.

Vào thời điểm con người đến định cư ở Đại Bình nguyên hồi giữa những năm 1800, vùng đất này được bao phủ bởi các đồng cỏ, giúp lưu trữ độ ẩm trong đất và giữ cho hầu hết đất không bị thổi bay ngay cả trong thời kỳ khô hạn. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, các nông dân đã cày xới và loại bỏ phần lớn lớp cỏ để tạo ra các cánh đồng.

Việc Mỹ tham gia Thế chiến I vào năm 1917 đã làm tăng nhu cầu về lúa mì và các trang trại bắt đầu khai thác triệt để các cánh đồng của họ, cày xới ngày càng nhiều đồng cỏ bằng loại máy kéo mới được phát minh. Việc cày xới đất vẫn tiếp tục sau chiến tranh, khi sự ra đời của những chiếc máy kéo chạy bằng xăng thậm chí còn mạnh hơn đã đẩy nhanh quá trình này. Trong những năm 1920, sản lượng lúa mì tăng đến 300%, gây ra tình trạng dư thừa trên thị trường vào năm 1931.

Năm đó, một đợt hạn hán nghiêm trọng đã lan rộng khắp khu vực. Khi lúa chết, gió bắt đầu mang theo bụi từ những vùng đất bị cày xới và chăn thả quá mức. Số lượng bão bụi được báo cáo đã tăng từ 14 cơn vào năm 1932 lên 28 cơn vào năm 1933. Năm sau, tần suất các cơn bão đã giảm nhưng cường độ lại tăng, lên đến đỉnh điểm là cơn bão nghiêm trọng nhất vào tháng 5/1934. Chỉ trong vòng hai ngày, gió mạnh đã cuốn khoảng 350 triệu tấn bụi từ Đại bình nguyên phía bắc đi đến tận bờ biển phía đông. Theo tờ New York Times, bụi “bám vào mắt và cổ họng của những người dân New York đang khóc và ho khù khụ,” và thậm chí cả những con tàu cách bờ biển hơn 480km cũng có bụi bám trên boong.

Những cơn bão bụi đã buộc hàng nghìn gia đình ở Texas, Arkansas, Oklahoma, Colorado, Kansas, và New Mexico phải di cư đến California, nơi họ bị gọi một cách chế giễu là bọn “Okies” – bất kể họ đến từ tiểu bang nào. Những người di cư này sẽ sớm nhận ra cuộc sống ở miền Tây cũng chẳng dễ dàng hơn so với nơi họ đã rời đi, vì công việc khan hiếm và tiền lương ít ỏi trong những năm tồi tệ nhất của cuộc Đại suy thoái.

Một cơn bão lớn khác xảy ra vào ngày 14/04/1935 – được gọi là “Chủ Nhật Đen” – đã thu hút sự chú ý đến tình hình tuyệt vọng ở vùng Đại Bình nguyên, nơi mà phóng viên Robert Geiger gọi là “Bát bụi” (Dust Bowl). Năm đó, như một phần của chương trình Kinh tế Mới (New Deal), chính quyền của Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã bắt đầu triển khai quy định của liên bang về các phương pháp canh tác, bao gồm luân canh cây trồng, gieo trồng cỏ, và sử dụng các phương pháp cày đất mới. Các biện pháp này đã mang lại hiệu quả nhất định, làm giảm các cơn bão bụi tới 65%, nhưng chỉ khi hạn hán kết thúc vào mùa thu năm 1939 thì tình hình mới khả quan hơn.