21/10/1918: Đức chấm dứt chiến tranh tàu ngầm

Print Friendly, PDF & Email

21-10-1918-germany-ceases-unrestricted-submarine-warfare

Nguồn: Germany ceases unrestricted submarine warfare, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, một chiếc tàu ngầm U-boat của Đức đã bắn quả ngư lôi cuối cùng của Thế chiến I, khi nước này chấm dứt chính sách “chiến tranh tàu ngầm không hạn chế” (unrestricted submarine warfare).

Đầu năm 1915, chiến tranh tàu ngầm không hạn chế xuất hiện lần đầu trong Thế chiến I, khi Đức tuyên bố khu vực xung quanh Quần đảo Anh là khu vực chiến tranh – nơi mà mọi tàu buôn đi qua, kể cả tàu của các nước trung lập, đều sẽ bị hải quân Đức tấn công. Trước Hải quân Anh với ưu thế áp đảo, người Đức đã sử dụng thứ vũ khí nguy hiểm nhất của mình – tàu ngầm U-boat tàng hình. Vậy là hàng loạt các vụ tấn công tàu buôn bắt đầu, mà đỉnh điểm là vụ tàu ngầm U-boat đánh chìm tàu Lusitania của Anh vào tháng 7/1915.

Vụ tấn công Lusitania khiến 1.201 người thiệt mạng, trong đó có 128 người Mỹ. Điều đó khiến Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson vô cùng giận dữ và đã lên tiếng yêu cầu Đức chấm dứt các cuộc tấn công lên các tàu buôn không được vũ trang. Trong vòng một năm sau đó, chính phủ Đức thúc giục Hải quân hạn chế tấn công tàu buôn, vì họ sợ làm phật lòng người Mỹ, khiến Mỹ tham dự vào cuộc chiến chống lại Đức.

Tuy nhiên, đầu năm 1917, các chỉ huy Hải quân và Bộ binh đã thuyết phục Hoàng đế Wilhelm II phải tiếp tục chính sách tàu ngầm không hạn chế. Họ cho rằng việc dùng U-boat để tấn công chống lại Hải quân Anh sẽ giúp người Đức chiến thắng vào mùa thu năm đó. Ngày 01/02/1917, Đức lại tiếp tục dùng tàu ngầm để tấn công tàu của các nước khác. Hai ngày sau đó, Wilson cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức, và ngày 06/04/1917, Mỹ chính thức tham gia Thế chiến I, trở thành một lực lượng thuộc Đồng Minh.

Người Đức đã từng hy vọng rằng– bất chấp những bế tắc trên chiến trường ở Mặt trận phía Tây – họ vẫn có thể giành chiến thắng nhờ vào hải chiến kéo dài tới những tháng cuối cùng của Thế chiến I. Nhưng hy vọng ấy đã dần mất đi khi quân Đồng Minh trỗi dậy tại Pháp và Bỉ trong mùa hè năm 1918, cộng thêm sự bất mãn và thất vọng sâu sắc ngay tại nước Đức, cũng như giữa những người lính bộ binh và hải quân Đức. Giữa tháng 10/1918, khi chính phủ Đức cố gắng đình chiến mà không làm mất đi cơ hội đàm phán hòa bình có lợi cho họ, còn các chỉ huy quân đội Đức thì vật lộn với những khó khăn nơi chiến trường, Đô đốc Reinhardt Scheer -người chịu trách nhiệm về chiến lược U-boat – đã ra lệnh cho tất cả tàu ngầm trở về căn cứ Đức.

Quả ngư lôi cuối cùng của Đức trong Thế chiến I đã đực bắn ở Biển Ailen vào ngày 21/10, đánh chìm Saint Barcham, một tàu buôn nhỏ của Anh, và làm chết 8 thuyền viên trên tàu. Theo một ước tính về chiến tranh tàu ngầm của Đức, đã có 318 thuyền viên bị giết chỉ trong tháng đó. Nhưng giờ đây, khi các tàu ngầm của Đức trở về căn cứ, toàn bộ vùng bờ biển chiến lược ở Bỉ đã hoàn toàn thuộc kiểm soát của quân Đồng Minh.

Xem thêm:

#202 – Quái vật đảo Jekyll (Ch. 12): Tại sao Hoa Kỳ tham gia Thế chiến I?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]