06/07/1942: Gia đình Anne Frank tìm nơi trú ẩn

Nguồn: Frank family takes refuge, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, tại đất nước Hà Lan đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng, cô bé gốc Do Thái, Anne Frank, 13 tuổi, tác giả của cuốn Nhật ký của Anne Frank nổi tiếng sau n ày, cùng với gia đình của mình đã bị buộc phải trú ẩn trong một khu nhà máy bí mật ở Amsterdam. Một ngày trước đó, chị gái của Anne, Margot, đã nhận được một thông báo yêu cầu trình diện tại “trại tập trung” của Đức Quốc xã.

Anne sinh ra ở Đức vào ngày 12/06/1929, sau đó em và gia đình đã trốn sang Amsterdam vào năm 1933 để thoát khỏi cuộc bức hại của Đức Quốc xã. Vào mùa hè năm 1942, khi quân Quốc xã đến chiếm đóng Hà Lan, Anne, khi ấy đã 12 tuổi, bắt đầu viết cuốn nhật ký kể lại cuộc sống hàng ngày của mình, về quan hệ của em với gia đình và bạn bè, và những quan sát về thế giới đang ngày càng trở nên nguy hiểm xung quanh em. Ngày 06/07, vì lo sợ bị đưa đến đến một trại tập trung của Đức Quốc xã, gia đình nhà Frank đã tới trú ẩn trong một nhà máy do những người Công giáo điều hành. Trong hai năm tiếp theo, với lời dọa giết của các sĩ quan Đức Quốc xã tuần tra ngay bên ngoài nhà kho, Anne đã viết một cuốn nhật ký với sự châm biếm, hài hước và cả những thông tin chi tiết.

Ngày 04/08/1944, chỉ hai tháng sau khi phe Đồng minh đổ bộ thành công ở Normandy, Cơ quan mật vụ Gestapo của Đức quốc xã đã phát hiện ra “Nơi trú ẩn bí mật” của nhà Frank (Frank’s “Secret Annex). Họ bị đưa tới các trại tử thần của Đức Quốc xã cùng với hai người Công giáo đã cưu mang họ, và một gia đình Do Thái cùng một người đàn ông Do Thái độc thân mà họ đã chia sẻ nơi ẩn náu. Anne và hầu hết những người trong nhóm này bị chuyển đến trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan. Cuốn nhật ký của Anne đã bị bỏ lại phía sau, không bị Đức Quốc xã phát hiện.

Đầu năm 1945, Liên Xô vào giải phóng Ba Lan, Anne cùng chị gái Margot đã được đưa đến trại tập trung Bergen-Belsen ở Đức. Sau khi phải chịu đựng những điều kiện tồi tệ của trại, hai chị em đã mắc bệnh thương hàn và chết vào đầu tháng 3. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhật ký của Anne được phát hiện ở nơi ẩn náu tại Amsterdam, và năm 1947, nó đã được dịch ra tiếng Anh và được xuất bản. Ngay lập tức trở thành một cuốn sách bán chạy nhất và sau cùng đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ, Nhật ký của Anne Frank là lời chứng của sáu triệu người Do Thái, bao gồm cả Anne, những người đã bị sát hại trong Thảm sát Holocaust.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]