16/03/1751: ‘Cha đẻ Hiến pháp Mỹ’ James Madison ra đời

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “Father of the Constitution” is born, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1751, James Madison, người soạn thảo Hiến pháp Mỹ, người ghi lại Hội nghị lập hiến Philadelphia, một trong số các tác giả của tập bài viết Federalist Papers (nhằm kêu gọi thông qua hiến pháp) và là vị Tổng thống thứ tư của nước Mỹ, đã chào đời tại một đồn điền ở Virginia.

Madison lần đầu tiên chứng minh năng lực của mình khi còn là sinh viên tại Đại học New Jersey (nay là Đại học Princeton), nơi ông đã hoàn thành khóa học bốn năm chỉ trong hai năm và, vào năm 1769, đã giúp thành lập Hiệp hội Whig, cộng đồng văn học và tranh luận xã hội thứ hai ở Princeton (và trên toàn thế giới), để đối đầu với Hiệp hội Cliosophic đã được thành lập trước đó.

Năm 1771, Madison trở lại Virginia với trí tuệ uyên thâm nhưng sức khỏe  lại yếu. Đến năm 1776, ông đã hồi phục, đủ khỏe mạnh để phục vụ suốt ba năm trong cơ quan lập pháp bang Virginia, nơi ông quen biết và trở nên ngưỡng mộ Thomas Jefferson. Trên cương vị này, ông đã hỗ trợ việc soạn thảo Tuyên bố Tự do Tôn giáo Virginia và quyết định quan trọng của Virginia trong việc nhường các yêu sách chủ quyền đối với vùng đất phía Tây của họ cho Quốc hội Lục địa.

Madison được nhớ đến nhiều nhất vì vai trò quan trọng của ông trong Hội nghị Hiến pháp năm 1787, trong đó ông trình bày Kế hoạch Virginia (Virginia Plan) trước các đại biểu đang tập hợp ở Philadelphia, đồng thời giám sát quá trình đàm phán và thỏa hiệp đầy khó khăn dẫn đến việc soạn thảo Hiến pháp cuối cùng. Cuốn Notes on the Convention của Madison được coi là tài liệu ghi chép chi tiết và chính xác nhất về những gì xảy ra trong các phiên tranh luận kín (Madison đã cấm xuất bản các ghi chép của mình cho đến khi tất cả những người tham gia tranh luận đều đã qua đời.) Sau khi Hiến pháp được đệ trình lên để phê chuẩn, Madison đã cùng John Jay và Alexander soạn tập bài viết The Federalist Papers (Luận cương Thể chế Liên bang), một loạt các bài luận kêu gọi chấp nhận thể chế chính phủ mới. Madison đã viết bài luận nổi tiếng nhất trong số đó, Federalist No. 10, một lập luận cương quyết ủng hộ việc thành lập một liên bang lớn trong khi vẫn có thể bảo vệ các quyền cá nhân.

Năm 1794, Madison kết hôn với một góa phụ trẻ tuổi, Dolley Payne Todd, người sẽ chứng minh mình là phu nhân tuyệt vời nhất của Washington, DC trong những năm Madison làm Ngoại trưởng cho Thomas Jefferson và sau đó là vị tổng thống thứ tư của Mỹ (1809 – 1817). Dolley Madison đã giành được một vị trí đặc biệt trong ký ức của quốc gia khi bà cứu được một bức chân dung của George Washington trước khi trốn thoát khỏi vụ tấn công Nhà Trắng trong Chiến tranh năm 1812 (War of 1812).

Chiến tranh năm 1812 là một bài kiểm tra cho vị trí Tổng thống của Madison. Phe Liên bang chống lại quyết định của Madison khi ông tuyên chiến chống lại người Anh, họ cũng đe dọa sẽ ly khai khỏi liên bang trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Harford. Khi đất nước mới giành được chiến thắng mong manh, Đảng Liên bang đã sụp đổ vì Mỹ đã bảo đảm được vị thế của mình như một quốc gia độc lập khỏi Anh.

Sau khi rời khỏi các vị trí chính trị chính thức, Madison đã làm việc tại ngôi trường yêu thích của Thomas Jefferson, Đại học Virginia – đầu tiên là với cương vị thành viên của hội đồng quản trị và sau đó là Hiệu trưởng. Năm 1938, trường Đại học Sư phạm Tiểu bang ở Harrisonburg, Virginia, được đổi tên nhằm vinh danh ông, thành Madison College; và năm 1976, nó trở thành trường Đại học James Madison.