11/12/1915: Viên Thế Khải trở thành Hoàng đế Trung Hoa

11

Nguồn: Yuan Shih-kai accepts Chinese throne, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Khi chiến tranh đang hoành hành khắp châu Âu, thì xung đột cũng ngự trị ở vùng Viễn Đông giữa hai kẻ thù truyền thống là Nhật Bản và bên kia là một Trung Quốc đang chia rẽ nội bộ. Vào ngày này năm 1915, vị Đại tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, Viên Thế Khải, người lên nắm quyền trong bối cảnh Cách mạng Tân Hợi năm 1911 và sự sụp đổ của triều đại Mãn Thanh vào năm 1912, đã chấp nhận danh hiệu Hoàng đế Trung Hoa.

Từ tháng 08/1914, Nhật đã tuyên chiến với Đức, tiến hành các cuộc tấn công kết hợp bộ binh và hải quân để chiếm được căn cứ hải quân nước ngoài quan trọng nhất của Đức tại Thanh Đảo, thuộc Bán đảo Sơn Đông của Trung Quốc. Tháng 01/1915, Ngoại trưởng của “Đế quốc” Nhật, Kato Takaaki, đã đề ra cho Trung Quốc “21 Yêu sách”, trong đó bao gồm việc mở rộng quyền kiểm soát trực tiếp của Nhật ở Sơn Đông, miền nam Mãn Châu, và miền đông Nội Mông, cũng như để Nhật chiếm thêm nhiều lãnh thổ, gồm cả các đảo ở Nam Thái Bình Dương trước đó thuộc quyền của Đức.

Nếu được chấp nhận một cách trọn vẹn, “21 Yêu sách” sẽ cơ bản biến Trung Quốc trở thành nước được Nhật Bản bảo hộ. Viên Thế Khải khi ấy đang là Đại tổng thống Trung Quốc (kể từ tháng 02/1912, lên kế nhiệm Tôn Trung Sơn, người sáng lập Quốc Dân Đảng). Trước đề nghị của người Nhật, Viên đã buộc phải chấp nhận tất cả trừ những đòi hỏi cực đoan nhất, đồng thời cố gắng lợi dụng sự tức giận của người Trung Quốc để biện minh cho việc khôi phục chế độ quân chủ và tự nhận mình là hoàng đế.

Sau khi giải tán nghị viện và loại Quốc Dân Đảng khỏi chính phủ, Viên Thế Khải đã nắm toàn quyền cai trị thông qua các thống đốc quân sự ở các tỉnh trong cả nước. Sự trở lại của chế độ quân chủ đã bị phản đối mạnh mẽ từ cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả một số những thống đốc quân sự. Thế nên Viên Thế Khải đã buộc phải đưa đất nước trở về với chính thể cộng hòa. Ông qua đời vào năm 1916.