Nguồn: Hearings begin on American policy in Vietnam, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1968, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bắt đầu phiên điều trần về chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Đây là hệ quả trực tiếp của Chiến dịch Tết Mậu Thân, khi lực lượng Việt Cộng được hỗ trợ bởi một lượng lớn quân đội miền Bắc, đã thực hiện đợt tấn công phối hợp lớn nhất và hiệu quả nhất trong cả cuộc chiến. Họ đã đánh vào trung tâm của bảy thành phố lớn nhất miền Nam Việt Nam và tấn công 30 tỉnh lị từ đồng bằng sông Cửu Long đến khu vực phi quân sự (DMZ).
Việc đánh giá tác động của đợt tấn công Tết Mậu Thân đã bắt đầu từ trước khi nó chính thức kết thúc. Về mặt quân sự, đợt tấn công này chắc chắn là một chiến thắng của đồng minh, nhưng về mặt tâm lý và chính trị, thì nó lại là một thảm họa.
Chiến dịch này thực sự là một thất bại quân sự to lớn cho Việt Cộng và Bắc Việt, nhưng quy mô và phạm vi các đợt tấn công của phe cộng sản đã khiến đồng minh Mỹ và Nam Việt hoàn toàn bất ngờ. Các báo cáo ban đầu sai lệch về chiến thắng của cộng sản do giới truyền thông đưa ra đã giúp những người cộng sản sớm giành được chiến thắng tâm lý. Hình ảnh lính Mỹ và lính miền Nam phải chịu thương vong nặng nề trong đợt tấn công, cộng với việc vỡ mộng trước những báo cáo quá lạc quan về tiến triển của cuộc chiến, đã đẩy mạnh làn sóng phản đối việc tiến hành chiến tranh của chính quyền Johnson, khiến các đối thủ của Tổng thống trong Quốc Hội kêu gọi điều trần.
Phần đầu buổi điều trần của Quốc Hội tập trung vào sự kiện Vịnh Bắc Bộ (1964), vốn đã dẫn đến việc thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cơ sở pháp lý cho việc leo thang chiến tranh của Johnson. Thượng nghị sĩ William Fulbright (bang Arkansas) và Wayne Morse (bang Oregon) cáo buộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã cố tình giữ kín thông tin về các hoạt động của hải quân ở Vịnh Bắc Bộ nhằm khiêu khích Bắc Việt Nam, dẫn đến một cáo buộc khác về “lỗ hổng uy tín.” Vấn đề đặt ra là liệu chính quyền đã cung cấp cho Quốc Hội các dữ liệu đáng tin cậy tại thời điểm Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được thông qua (08/1964) giúp mở rộng đáng kể quyền tiến hành chiến tranh của Tổng thống ở Đông Nam Á hay không.
Dù các cáo buộc trên không đưa ra được bằng chứng rõ ràng, nhưng cuộc tranh luận đã lên đến đỉnh điểm khi tờ New York Times tường thuật rằng Tướng William Westmoreland, Tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn, đã yêu cầu tăng thêm 206.000 quân. Con số quân tăng thêm quá lớn này đã gây ra một làn sóng phản đối trong Quốc Hội, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều yêu cầu giải thích và nhấn mạnh rằng Quốc Hội cũng có liên quan trong mọi quyết định mở rộng chiến tranh. Sang tháng ba, 139 thành viên của Hạ viện đã bảo trợ một nghị quyết kêu gọi đánh giá đầy đủ các chính sách của Mỹ ở Việt Nam.
Cuối cùng, kết quả của Chiến dịch Tết Mậu Thân và các phản ứng sau đó của Quốc Hội đã thuyết phục được Johnson, người vô cùng thất vọng vì không thể tìm ra giải pháp ở Việt Nam. Tổng thống đã tuyên bố rằng ông sẽ không tiếp tục tranh cử và cũng sẽ không chấp nhận làm ứng viên tổng thống cho đảng của mình.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]